ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cho biết từ tháng 8, người dùng ở Mỹ có thể đăng ký hỗ trợ từ quỹ sáng tạo của mạng video ngắn. Yêu cầu đầu tiên là người tạo nội dung phải trên 18 tuổi, có số lượng bài đăng liên tục và đạt lượng người theo dõi nhất định.
Quỹ Sáng tạo TikTok được thành lập ngay sau khi Ủy ban An ninh Nội địa của Thượng viện Hoa Kỳ thông qua đề xuất cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ. Động thái này nhằm giữ chân người dùng, khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo nội dung.
Vanessa Pappas, giám đốc TikTok US cho biết, trước đây, công ty đã giúp các “ngôi sao” của mình kiếm tiền bằng cách kết nối họ với các nhà quảng cáo. Giờ đây, quỹ trị giá 200 triệu USD sẽ đảm bảo những người sáng tạo nội dung ở Hoa Kỳ có thể trực tiếp kiếm tiền từ ứng dụng. TikTok cũng sẽ xem xét phát triển một quỹ sáng tạo ở các quốc gia khác.
Dựa theo Bloomberg, năm nay, TikTok cũng đã ký thỏa thuận với các công ty âm nhạc để trả tiền cho việc sử dụng các bài hát và đang đàm phán với các công ty âm nhạc lớn hơn để giải quyết các vấn đề về bản quyền. Nền tảng này cũng có Quỹ học tập trị giá 50 triệu đô la dành cho giáo viên trên toàn cầu, bao gồm khoảng 1.000 giáo viên Hoa Kỳ.
Lời hứa thanh toán của TikTok được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi nó vấp phải rất nhiều chỉ trích ở Mỹ, thị trường tạo ra doanh thu lớn nhất cho công ty. Trước cáo buộc là ứng dụng gián điệp của Trung Quốc, TikTok đã có nhiều động thái quyết liệt như chuyển trụ sở công ty mẹ, cam kết thuê 10.000 nhân viên Mỹ.
Một số tin đồn gần đây cho thấy các nhà đầu tư Mỹ đang xem xét mua lại cổ phần của ByteDance để đảm bảo mạng video này có thể tiếp tục lưu thông. Trước những tin đồn này, ByteDance giữ im lặng.
Khương Nha