[Mới nhất] Nội dung ‘người lớn’ ẩn trong video hoạt hình trên YouTube

Mở lịch sử xem YouTube của cháu 6 tuổi, anh Nguyễn Khương (TP HCM) tá hỏa khi thấy các video dạng hoạt hình nhưng nội dung là chuyện ‘người lớn’.

“Thấy cháu xem hoạt hình, giọng lồng tiếng cũng giống trong các phim cho trẻ em nên tôi chủ quan. Đến khi xem lại lịch sử mới biết đó toàn là những nội dung bậy bạ trá hình”, anh Khương nói.

Các nội dung mà anh Khương nhắc đến thuộc một kênh YouTube chuyên làm các video dạng kể chuyện với cốt truyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của một nhân vật, bối cảnh tại gia đình hay trường học. Tuy nhiên, ẩn trong video là nhiều nội dung nhạy cảm. Các nội dung này được thuyết minh bằng tiếng Việt, minh họa bằng hình vẽ động như một bộ phim hoạt hình. Nhiều video có ảnh đại diện là hình vẽ người đang tắm hoặc mặc đồ lót.

Trong phần giới thiệu, kênh này cho biết đây đều là những câu truyện có thật, đồng thời kêu gọi người xem đóng góp nội dung cho kênh.





Nhiều video có nội dung nhạy cảm, xuất hiện dưới dạng hoạt hình trên YouTube. Ảnh: Lưu Quý.

Nhiều video có nội dung nhạy cảm, xuất hiện dưới dạng hoạt hình trên YouTube. Ảnh: Lưu Quý.

Với vỏ bọc là phim hoạt hình, các video này dễ dàng thu hút sự chú ý của trẻ em, đồng thời khiến phụ huynh chủ quan. Chúng cũng có thể được YouTube đề xuất nếu trước đó người xem từng xem phim hoạt hình. Kênh này mới hoạt động khoảng bốn tháng, nhưng mỗi video thu hút vài trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem. Đây cũng không phải kênh duy nhất có nội dung dạng này trên YouTube tại Việt Nam.

“Nếu chỉ xem lướt qua, tôi cũng nghĩ đây là phim hoạt hình cho trẻ em, bởi hình vẽ tươi sáng, nhiều màu sắc, nhân vật xưng hô ‘mình’, ‘tớ’ và cách thuyết minh khá truyền cảm, không khác gì phim hoạt hình trên TV’, Lê Hương, một phụ huynh có con học lớp 3 nhận định.

Trong trường hợp của anh Khương, anh cho biết gia đình cũng chủ quan vì nghĩ đây là phim hoạt hình. Anh cũng cho rằng có thể thuật toán của YouTube đã đề xuất video này cho cháu anh, bởi “đứa bé 6 tuổi chưa thạo mặt chữ nên không thể tự tìm kiếm các dạng nội dung như vậy”.

Thử nghiệm với trình duyệt ẩn danh, các video trên có thể được xem mà không yêu cầu tuổi tác hay đăng nhập. Sau khi xem video từ kênh này, YouTube bắt đầu đưa ra đề xuất video từ một loạt kênh “hoạt hình” khác với nội dung tương tự.

“Việc để trẻ em tiếp xúc với các video dạng này có trách nhiệm của các bên: YouTube, chủ kênh và phụ huynh”, Khiêm Vũ, quản trị viên một cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam nhận định.

Trong điều khoản của YouTube, video hoạt hình với nội dung “người lớn” như trên được xếp vào dạng “nội dung dành cho đối tượng chung”, tức là chúng có thể thu hút tất cả mọi người và không chủ đích hướng tới trẻ em. Với các video dạng này, YouTube yêu cầu chủ kênh đặt giới hạn tuổi cho người xem, tuy nhiên, các kênh trên đã không thực hiện, để trẻ em cũng có thể xem được.

Để bảo vệ trẻ em khỏi các dạng nội dung này, anh Khiêm cho rằng người lớn cần thiết lập riêng các kênh hoặc có chế độ hạn chế khi để trẻ em sử dụng YouTube, hoặc chỉ cho chúng sử dụng ứng dụng YouTube Kids. Ngoài ra, phụ huynh nên xem cùng trẻ em, hoặc thường xuyên kiểm tra lịch sử xem YouTube để hạn chế các dạng nội dung như vậy. Nếu video vi phạm nguyên tắc cộng đồng, người dùng nên “báo cáo” để YouTube xử lý.

Trẻ em là một trong những đối tượng nhiều kênh YouTube hiện nay hướng đến. Trong số 10 kênh có nhiều lượt xem nhất tại Việt Nam, 5 kênh chuyên làm nội dung trẻ em. Nhiều kênh YouTube nhảm hiện này cũng sống nhờ việc thu hút lượt xem từ người dùng trẻ tuổi.

Năm 2017, hàng loạt kênh YouTube tại Việt Nam bị khóa vì làm nội dung người lớn “đội lốt” video cho trẻ em. Các kênh này sử dụng nhiều nhân vật trẻ nhỏ yêu thích, như Elsa, Spiderman, Joker, Superman, nhưng xuất hiện trong hình ảnh khoe thân hở hang, thực hiện hành vi tình tứ, nhạy cảm. YouTube sau đó đã xóa các kênh này, đồng thời dùng AI để kiểm duyệt nội dung. Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện một cách triệt để.

Lưu Quý


Viết một bình luận