[Mới nhất] Làn sóng kiện mạng xã hội của trường học Mỹ

Nhiều học khu Mỹ đệ đơn kiện, cho rằng mạng xã hội như TikTok, Youtube, Instagram và Snapchat đang góp phần gây ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thiếu niên.

Kể từ vụ kiện của Học khu Seattle hồi tháng 1, làn sóng kiện tụng đã lan rộng trong những tuần gần đây tại các học khu ở California, Pennsylvania, New Jersey và Florida. Các luật sư cho biết nhiều học khu khác cũng đang lên kế hoạch làm điều tương tự.

Giữa tháng 3, giới chức hạt San Mateo, nơi có 23 học khu, đã đệ đơn khiếu nại dài 107 trang lên tòa án liên bang, cáo buộc các tập đoàn mạng xã hội sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các nền tảng gây nghiện, được cho là có hại tới giới trẻ.

Theo đơn khiếu nại, hậu quả “rất tồi tệ”, ngày càng nhiều trẻ em phải vật lộn với sức khỏe tâm thần do sử dụng các ứng dụng này quá nhiều. “Không có cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử tương đồng với tình trạng mà giới trẻ trong quốc gia này đang đối mặt”.

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỷ lệ học sinh trung học phổ thông ở nước này mắc các chứng trầm cảm và có ý định tự tử đang gia tăng.

Theo CDC, sự phổ biến ngày càng tăng của các mạng xã hội “đi đôi” với tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần ở thiếu niên. Cơ quan này trích dẫn nhận xét của Tổng thống Joe Biden, rằng các mạng xã hội đang “thực hiện thí nghiệm trên con em người dân để kiếm lợi nhuận”.





Học sinh, sinh viên tổ chức biểu tình tại Trung tâm John Stanford thuộc Học khu Seattle, ngày 14/1/2022. Ảnh: Seattle Times.

Học sinh, sinh viên tại Trung tâm John Stanford thuộc Học khu Seattle, ngày 14/1/2022. Ảnh: Seattle Times.

Nancy Magee, giám đốc học khu hạt San Mateo, cho biết đã có những vụ bắt nạt trực tuyến rất nghiêm trọng liên quan đến mạng xã hội và họ không thể yêu cầu các công ty gỡ nội dung xuống, khiến nhiều học sinh không dám đến trường. Bà cũng chỉ ra hiểm họa từ các thử thách, trào lưu phá hoại, nguy hiểm trên TikTok.

Học khu Seattle dẫn nhiều nghiên cứu, cáo buộc các công ty “khai thác sự kích thích thần kinh giống như cờ bạc và chất kích thích để lôi kéo người dùng”. Theo Viện nghiên cứu Tâm thần Trẻ em và Thiếu niên Mỹ (AACAP), 90% học sinh 13-17 tuổi sử dụng mạng xã hội. Nhiều em kiểm tra Snapchat 30 lần/ngày, theo báo cáo năm 2022 của ngân hàng đầu tư Piper Sanler. Trong khi đó, gần 20% thiếu niên sử dụng YouTube “gần như liên tục”, theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington vào cùng năm.

Seattle cũng ghi nhận ngày càng thiếu niên nói rằng “không thể dừng hoặc kiểm soát lo âu, đến mức ngừng các thú vui từng yêu thích” và “nghĩ đến việc tự tử”.

Giới chức hạt Bucks, bang Pennsylvania, cũng đệ đơn kiện tuần trước. Quan chức hạt Bucks Bob Harvie nói lý do không phải vì họ phản đối mạng xã hội, mà vì thuật toán thúc đẩy hành vi “tiếp tục xem, tiếp tục cuộn”, gây hại sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

“Không khác gì cách các công ty thuốc lá sử dụng để thao túng nồng độ nicotine, nhằm khiến người dùng tiếp tục hút thuốc”, ông Harvie nói, cho biết ưu tiên hàng đầu là thay đổi hành vi của các công ty này.

Các học khu muốn hành vi của các công ty mạng xã hội được tuyên bố là “mối phiền toái với cộng đồng”, họ phải thay đổi cách hoạt động và đền bù thiệt hại để tài trợ công tác ngăn ngừa, giáo dục và xử lý các vấn đề liên quan.





Biểu tượng ứng dụng TikTok trên một điện thoại thông minh trong ảnh chụp ngày 13/7/2021. Ảnh: Reuters.

Biểu tượng ứng dụng TikTok trên một điện thoại thông minh trong ảnh chụp ngày 13/7/2021. Ảnh: Reuters.

Các công ty mạng xã hội không bình luận trực tiếp về loạt vụ kiện, song tuyên bố có các biện pháp bảo vệ người dùng trẻ tuổi và ưu tiên sự an toàn của thiếu niên.

TikTok nhắc đến các tính năng giới hạn độ tuổi, giới hạn tin nhắn và phát trực tiếp, cũng như thiết lập tài khoản riêng tư làm mặc định dành cho thiếu niên. TikTok có tính năng Family Pairing, giúp phụ huynh kiểm soát nội dung, quyền riêng tư và thời gian sử dụng, đồng thời có nguồn lực chuyên gia, gồm các đường dây trợ giúp ngừa tự tử, rối loạn ăn uống, có thể truy cập trực tiếp từ ứng dụng.

Phát ngôn viên Jose Castaneda của YouTube cho biết ứng dụng cho phép phụ huynh đặt lời nhắc, giới hạn thời gian sử dụng và chặn một số nội dung nhất định. Đối với người dùng dưới 18 tuổi, Youtube cũng phát các thông báo mặc định về giờ đi ngủ và khuyến khích người dùng tạm nghỉ sử dụng ứng dụng.

Meta, công ty sở hữu Instagram, nói có hơn 30 công cụ hỗ trợ thiếu niên và phụ huynh, trong đó có công nghệ xác minh độ tuổi, thường xuyên nhắc người dùng tạm nghỉ dùng ứng dụng và tính năng cho phép phụ huynh giới hạn thời gian sử dụng.

“Chúng tôi không cho phép nội dung khuyến khích tự tử, tự làm hại bản thân hoặc rối loạn ăn uống. Chúng tôi cũng xác định được 99% nội dung độc hại trước khi chúng được báo cáo”, Antigone Davis, Giám đốc Toàn cầu về An toàn của Meta, nói.

Richard Weissbourd, nhà tâm lý học, giảng viên tại Trường Sau đại học về Giáo dục Harvard, nhận định lập luận trong các vụ kiện có thể hợp lý, song phụ huynh và người thân của các thiếu niên cần nói chuyện hiệu quả hơn với các em về lợi ích và mặt trái của các nền tảng.

Weissbourd chỉ ra một vấn đề là phụ huynh cũng dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Ông cho biết nhiều thiếu niên chia sẻ rằng muốn tâm sự hoặc xin lời khuyên từ bố mẹ nhưng họ cũng dán mắt vào điện thoại thông minh hoặc máy tính.

Marisol Garcia, chuyên viên trị liệu tại Viện Nghiên cứu Gia đình thuộc Đại học Northwestern, cho biết mạng xã hội có thể là phương tiện kết nối mạnh mẽ, song có mặt trái lớn. Bà không ngạc nhiên trước làn sóng kiện tụng của các học khu. “Các học khu đang làm điều họ cho là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh”, bà nói.

“Không thật sự rõ ràng mạng xã hội có tác động lâu dài đến khả năng chú ý, kỹ năng xã hội, sức khỏe tâm thần hay không, song những động thái pháp lý có thể mang đến những điều tích cực”, bà nhận định.

Đức Trung (Theo Washington Post)


Viết một bình luận