[Mới nhất] Khi con nghiện mạng xã hội, bố mẹ xếp sau Facebook, YouTube, Google

Đã có lúc tôi giật mình tự hỏi: Có khi nào mình phải xếp hàng sau những chiếc smartphone, máy tính bảng… trong “danh sách tình thân” của con?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao con trẻ thường ít gần ba hơn mẹ? Lý giải một cách đơn giản, trẻ con gần gũi, yêu thương những người thường xuyên tiếp xúc, thương yêu và tương tác với chúng. Đó cũng là lý do mà ông bà ta thường nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Trong cùng mạch suy nghĩ đó, đã có lúc tôi giật mình tự hỏi: Có khi nào đến một ngày nào đó, các ông bố, bà mẹ sẽ phải lủi thủi xếp hàng sau những chiếc smartphone, máy tính bảng… trong “danh sách tình thân” của con trẻ?

Trước đây, trong cuộc sống thường nhật, ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ ba, bốn tuổi bi bô cả ngày với bố mẹ những từ như “tại sao?”, “thế nào?”, “sao không thế này mà lại là thế kia?”. Ngày nay, những hình ảnh đó dường như ít hơn. Thay vào đó, những đứa trẻ lệ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị di động khi chơi, khi ăn, và ngay cả khi tương tác với bố mẹ, bạn bè. Với không ít đứa trẻ, hiện tượng nghiện thiết bị di động đã trở nên ngày càng phổ biến. Nhiều trường hợp, trẻ con rơi vào tình trạng “sẵn sàng xung đột” với mọi người xung quanh khi bố mẹ không đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị di động. Tại sao lại xảy ra trường hợp đó? Liệu giao con trẻ cho các thiết bị di động thông minh là có lợi hay không?

Trước hết, phải khẳng định rằng, cuộc sống hiện đại đang khiến con người ngày càng bận rộn hơn. Giữa lúc loay hoay với bao bộn bề của công việc, nhiều phụ huynh đã vô tình giao con mình cho các thiết bị di động thông minh. Đây là cách đơn giản nhất để con trẻ không quấy rối khi bố mẹ phải tập trung cho công việc. Lâu dần, bố mẹ vô tình đẩy con ra xa mình hơn, đưa chúng rơi vào tình trạng “xa người, gần máy”. Do vậy, trong những trường hợp này, thủ phạm gây ra tình trạng nghiện thiết bị di động thông minh đa phần là do cha mẹ chứ không phải con trẻ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và internet, thiết bị di động với các ứng dụng liên quan đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Số liệu thống kê được công bố vào tháng 1/2020 của We Are Social & Hootsuite cho thấy Việt Nam có 65,99 triệu người sử dụng internet trên thiết bị di động với thời gian sử dụng trung bình hơn ba giờ mỗi ngày. Thực tế, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng Facebook, Google, YouTube… đã ngày càng thông minh hơn, đáp ứng ngày càng đầy đủ và tinh vi hơn những nhu cầu mà cả người lớn và con trẻ mong đợi. Cần tương tác với bạn bè, bạn chỉ cần online ngay trên Facebook; cần giải trí, YouTube luôn sẵn sàng; Cần hỏi gì chưa biết, Google tận tâm phục vụ…

Thế nên, sẽ là không ngoa khi nói rằng các ứng dụng từ các nhà phát triển đang phục vụ nhu cầu của người dùng tới “tận giường”. Rất nhiều ứng dụng đã trở thành “thuốc phiện công nghệ” của người dùng bởi đằng sau đó là hàng loạt thuật toán được nghiên cứu tỉ mỉ, là hệ thống AI được tích hợp cùng với lượng dữ liệu thu thập khổng lồ. Cha mẹ còn nghiện huống hồ con trẻ? Thế nên mới có việc con trẻ hỏi ngược “Sao bố/mẹ suốt ngày ôm điện thoại di động mà lại la mắng con?”.

>> Khi cha mẹ nghiện điện thoại nhưng cấm con sử dụng

Vấn đề rất đáng lo ngại là Facebook, YouTube… hiện là môi trường hỗn độn mà ở đó người dùng rất khó phân biệt giữa cái tốt, cái thật với cái xấu, cái giả dối. Giữa rừng thông tin “ảo nhiều hơn thật”, liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng nói chung và con trẻ nói riêng đã được trang bị một bộ lọc thông tin hữu hiệu?

Tháng 1/2020, tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tổ chức, những ảnh hưởng tiêu cực của internet đối với trẻ em được nêu ra đã khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi giật mình. Đó là tình trạng nhu cầu được sử dụng thiết bị thông minh ở những người nghiện mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi; là trạng thái lệ thuộc thế giới ảo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập, sinh hoạt và sức khỏe; là một loạt các hệ lụy như: ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ giao tiếp xã hội, mất ngủ, sinh ra chứng rối loạn ăn uống, ảnh hưởng hệ miễn dịch… Nguy hại hơn, các chuyên gia còn đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm Facebook”.

Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh những tác động tiêu cực, không ai có thể phủ nhận những tác dụng tích cực mà internet, mạng xã hội mang lại trong thời gian qua. Cuộc sống ngày nay với internet, mạng xã hội đã ngày càng phát triển hơn, thông minh hơn, hiện đại hơn. Mọi người đến với nhau dễ dàng hơn. Việc học hành của con trẻ giờ cũng thuận tiện hơn nhiều thông qua việc tiếp cận với kho tri thức của nhân loại. Do vậy, để tận dụng điểm tốt của công nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời.

Tóm lại, tận dụng mặt tích cực của công nghệ để nuôi dạy con trưởng thành theo hướng tích cực giờ đây là một bài toán không hề dễ với nhiều phụ huynh. Nhưng để thay đổi tình trạng “chỉ khi mất internet con mới cần đến ba mẹ” là việc chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hãy tự điều chỉnh đúng lúc khi tôi và các bạn – những ông bố, bà mẹ – vẫn đang là những người đầu tiên trong “danh sách tình thân” của chính con mình. Đừng để mình phải lủi thủi đứng sau những trang mạng, kênh YouTube… hay tệ hơn là sau cả những côn đồ mạng, để rồi mới cuống cuồng tìm cách cứu vãn lại vị thứ của mình trong “danh sách tình thân” của con.

>> Chia sẻ quan điểm của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Trần Kim Kha

Trẻ em có thể học hỏi được gì từ smartphone?
Sách hay smartphone không quyết định nhận thức của trẻ em


Viết một bình luận