Trung Quốc ngày 28/8 sửa đổi danh sách công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lần đầu tiên sau 12 năm, trong đó có TikTok.
Theo Cui Fan, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, những thay đổi này sẽ áp dụng cho TikTok. “Nếu ByteDance có kế hoạch xuất khẩu các công nghệ liên quan, họ cần phải trải qua các thủ tục cấp phép,” Cui cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã được xuất bản vào ngày 20 tháng 8.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã thêm 23 mặt hàng vào danh sách hạn chế, bao gồm các công nghệ như dịch vụ đẩy thông tin cá nhân dựa trên phân tích dữ liệu hoặc công nghệ giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo. Phải mất tới 30 ngày để các công nghệ trong danh sách hạn chế được phê duyệt.
Theo các chuyên gia công nghệ, vũ khí bí mật của TikTok là công cụ đề xuất nội dung, giúp người dùng liên tục nhận được những video mà họ quan tâm dựa trên phân tích hành vi.
Cui lưu ý rằng sự tăng trưởng ở nước ngoài của ByteDance chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ trong nước cung cấp năng lượng cho ứng dụng thuật toán cốt lõi. Theo ông, nếu muốn bán TikTok, công ty có thể cần chuyển mã phần mềm hoặc quyền sử dụng cho chủ sở hữu mới từ Trung Quốc ra nước ngoài.
Cui nhận xét: “Vì vậy, ByteDance nên nghiêm túc nghiên cứu danh sách quy định và cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải tạm dừng” các cuộc đàm phán liên quan đến việc bán TikTok hay không.
Trước đó, Nhà Trắng đã bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật đối với các công ty Trung Quốc như Huawei, WeChat hay TikTok. Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ kinh doanh với ứng dụng này. Lệnh cấm có hiệu lực sau 45 ngày. Một tuần sau, ông tiếp tục ký sắc lệnh hành pháp riêng đối với ByteDance, yêu cầu công ty thoái vốn hoạt động sau 90 ngày ở Mỹ, cũng như xóa toàn bộ dữ liệu của Mỹ mà TikTok thu thập được từ trước đến nay.
ByteDance tuyên bố đã cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ “một lượng lớn tài liệu” giải thích các hoạt động bảo mật của TikTok. Họ cũng chứng minh đây chỉ là một công ty tư nhân, không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc như cáo buộc. Ngoài ra, ByteDance cũng coi các cuộc tấn công của chính phủ Hoa Kỳ vào TikTok là một sự leo thang của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, TikTok đang tiếp tục thảo luận về việc “bán mình” tại một số thị trường Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Các công ty Microsoft, Oracle và Twitter là những “ứng cử viên” trong thương vụ mua lại mạng video ngắn này.
Vũ Hoàng (Dựa theo Reuters)