[Mới nhất] YouTube chậm xử lý video sai lệch về bầu cử Mỹ

Video về bầu cử Mỹ trên YouTube chứa nội dung không có thật hoặc chưa được kiểm chứng, nhưng vẫn được lan truyền mạnh mẽ.

Hôm 4/11, tài khoản One America News với gần một triệu người đăng ký đã đăng tải đoạn video dạng tin tức với nội dung không có thật: Đảng Dân chủ đã gian lận một cách táo bạo và đánh cắp chiến thắng của Trump bằng cách tung vào các lá phiếu giả. Video này cũng ám chỉ những người ủng hộ đảng Dân chủ “gây ra sự hỗn loạn” và cho rằng “người Mỹ nên ngừng tập trung vào bầu cử và nên lo về sự an toàn của chính họ”.

Đoạn video đã được xem hơn 400.000 lần và hiện vẫn còn trên YouTube. Nền tảng do Google quản lý phản ứng khá chậm chạp và hời hợt với tình trạng video giả tràn ngập trên nền tảng của họ. Công ty chỉ dán nhãn cảnh báo “nội dung sai lệch đáng kể làm xói mòn lòng tin vào tiến trình dân chủ” và không cho phép chạy quảng cáo, đồng thời từ chối chịu trách nhiệm.





Chiếc xe đựng thiết bị của một phóng viên ảnh bị nhầm là nơi chứa các lá phiếu bầu cử bất hợp pháp. Ảnh: WXYZ.

Chiếc xe đựng thiết bị của một phóng viên ảnh bị nhầm là nơi chứa các lá phiếu bầu cử bất hợp pháp. Ảnh: WXYZ.

Một video khác ghi lại cảnh người đàn ông đẩy chiếc xe bằng gỗ màu đỏ cùng chiếc hộp màu đen đến địa điểm kiểm phiếu ở Detroit. Khi ông đang di chuyển, một người phụ nữ đã chạy theo nói rằng chiếc hộp màu đen chứa phiếu bầu cử và người đàn ông có thể đang mang các lá phiếu vào trong bất hợp pháp.

Khoảnh khắc này được một người quay lại. Người này được cho là một thành viên trong nhóm luật sư của Trump. Tính đến chiều ngày 5/11 (giờ địa phương), đoạn phim nhận hơn 200.000 lượt xem trên YouTube và được chia sẻ hàng nghìn lần trước khi bị xóa.

Hãng tin ABC sau đó xác nhận người đàn ông đang đẩy xe là phóng viên ảnh của WXYZ – một chi nhánh của đài này ở Detroit. Chiếc hộp màu đen không chứa phiếu bầu như cáo buộc mà là các công cụ tác nghiệp của phóng viên.

So với các nền tảng khác, như Facebook, Twitter vốn kiểm soát khá chặt chẽ nội dung về bầu cử, YouTube là một trong những kênh quản lý lỏng lẻo và phát nhiều thông tin sai lệch nhất. Không ít video trên nền tảng của Google đã thổi phồng thuyết âm mưu hay kết quả bầu cử, dù quá trình kiểm phiếu vẫn đang diễn ra.

Chẳng hạn, hôm 3/11, Tổng thống Trump tuyên bố mình chiến thắng sớm. Lập tức, nhiều kênh YouTube đã tổ chức các buổi livestream để bàn về điều này, thậm chí tạo video có nội dung cắt cúp theo chủ đích để thu hút chú ý. Thống kê cho thấy, kể từ khi bầu cử bắt đầu, đã có hàng triệu video về chủ đề này xuất hiện trên YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Không ít trong số đó nói về những “chiếc hộp bí ẩn” như của phóng viên WXYZ, những lá phiếu bị xé bỏ hoặc bị vứt vào thùng rác.

Các nền tảng truyền thông xã hội khác thường sẽ xóa bài đăng hoặc gắn cờ cảnh báo, nội dung về bầu cử Mỹ trên YouTube được nới lỏng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, quy định xử lý nhẹ và tuyên bố từ chối trách nhiệm ở mức giới hạn đối với những video sai sự thật của YouTube khiến các nội dung này vẫn trôi nổi trên Internet.

Evelyn Douek, giảng viên tại Harvard, chuyên nghiên cứu về nội dung trực tuyến, cho biết những nền tảng video như YouTube là nơi “phát triển” các ngôn từ kích động thù địch, thuyết âm mưu và thông tin sai lệch. Theo chuyên gia này, một phần nguyên nhân đến từ kỹ thuật: Video dễ theo dõi hơn, nhưng lại khó kiểm tra tính chính xác hơn so với văn bản.

Theo bà Douek, không giống các website về truyền thông xã hội, YouTube chưa có chính sách giải quyết những tuyên bố sai. Phản ứng của họ cũng khá chậm. Chẳng hạn, nền tảng này chỉ thực sự cấm thông tin sai lệch về Covid-19 sau 20/5, khi đã có hơn 90.000 người Mỹ chết vì dịch bệnh này.

Phát ngôn viên YouTube Farshad Shadloo cho rằng các quy tắc mà hãng áp dụng đang ngang bằng với các trang web truyền thông xã hội khác. Tuy vậy, người này thừa nhận việc kiểm soát nội dung video thách thức hơn so với văn bản.

Sau nhiều năm bị chỉ trích vì cho phép video nội dung cực đoan và sai lệch lan truyền, YouTube đã có một số động thái chấn chỉnh. Nhưng thay vì xóa bỏ các video sai phạm, nền tảng này chỉ cảnh báo một cách hời hợt, dán nhãn từ chối trách nhiệm, đính kèm liên kết đến các nguồn tin uy tín. Shadloo thừa nhận video chứa thông tin sai lệch có nhiều lượt xem gần đây nhất có lượng khán giả chủ yếu từ Facebook, Twitter và một số website khác.

Theo một khảo sát hồi tháng 9 của Pew Research Center, cứ bốn người trưởng thành tại Mỹ thì có một người theo dõi tin tức qua YouTube. Hơn 70% trong đó nói rằng họ muốn xem các thông tin chính xác, nhưng lại không quan tâm chúng đến từ đâu.

Những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ đang chứng kiến đầy rẫy video được thực hiện một cách gian dối hoặc cắt xén ngữ cảnh. Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Eric Trump, con trai của Trump và những người thân cận của ông đã chia sẻ một video bị chỉnh sửa, trong đó đề cập ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tự hào về việc “tổ chức gian lận cử tri” lớn nhất trong lịch sử. Một số trang web truyền thông xã hội đã gắn cờ video này, nhưng khi đó, nó đã có hàng triệu lượt xem.

Ngày 4/11, trong một video đăng trên tài khoản Twitter có 4 triệu lượt theo dõi của mình, con trai Trump cảnh báo rằng 80 lá phiếu bầu cho cha mình đã bị đốt. Tuy vậy, các cảnh trong đó khá mờ và thiếu thuyết phục. Sau đó một ngày, các quan chức bầu cử ở Virginia Beach, cho biết video có thật nhưng những tờ giấy bị đốt cháy là lá phiếu mẫu, ai cũng có thể in được.

Ngay cả khi đã được xác nhận, con trai ông Trump vẫn không đưa ra thông báo rằng video đó là giả mạo. Trước đó, đoạn video đã phát tán rộng với hàng triệu lượt xem và hơn 30.000 lượt retweet, chủ yếu đến từ các nhóm cực hữu ủng hộ Trump. Họ đã chia sẻ video như là bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử có “gian lận”. Sau khi bị Twitter xóa, video tiếp tục xuất hiện trên YouTube với tiêu đề “Twitter đã xóa video này” và nhận gần 100.000 lượt xem.

Không ít video trên YouTube được dùng để “tung hỏa mù” vào cuộc bầu cử. Những ngày qua, những kẻ lừa đảo đã phát trực tiếp kết quả bầu cử giả hàng giờ liền trên nền tảng này trước khi bị đội ngũ kiểm duyệt đánh dấu là spam. Một số luồng trực tiếp khác kéo dài 7 giờ, được xem hơn 8 triệu lần, có nội dung ủng hộ Trump và gọi Biden là “xác chết biết đi”.

Austin Fletcher, một người ủng hộ Trump, cũng đăng video về cảnh một nhân viên kiểm phiếu vò và vứt một tờ giấy. Fletcher quả quyết đó là lá phiếu bầu cho Trump. Video đã được xem hơn 3 triệu lần và được chính tài khoản Twitter của Donald Trump Jr. – con trai Tổng thống Trump – chia sẻ. “Nếu đó không phải là gian lận cử tri, tôi không biết đó là gì”, Fletcher nói trong video, nhưng không đưa ra bằng chứng thực tế. Tweet của Trump Jr. đã không bị gắn cờ, hiện nhận hơn 30.000 lượt retweet.

Bảo Lâm (theo Washington Post)


Viết một bình luận