[Mới nhất] Kênh ẩn danh trên YouTube có hại gì cho nội dung trẻ em

Việc không cần công khai danh tính khiến các kênh YouTube thoải mái đăng nội dung độc hại ảnh hưởng đến trẻ em nhưng không phải chịu trách nhiệm.

Trên YouTube, đoạn video hoạt hình em bé đang tắm và hát theo giai điệu vui nhộn nhận được hơn 1,4 tỷ lượt xem. CoCoMelon, một trong những kênh YouTube dành cho trẻ em lớn nhất thế giới, có thể đã bỏ túi hàng triệu USD doanh thu quảng cáo từ đoạn phim này.





Bài hát Bath Song của kênh CoCoMelon có hơn 1,5 tỷ lượt xem.

Bài hát “Bath Song” của kênh CoCoMelon có hơn 1,5 tỷ lượt xem.

Trong top 10 kênh YouTube lớn nhất thế giới dành cho trẻ em, các nội dung như mở hộp, đánh giá đồ chơi, tập hát… khá phổ biến. Chúng có thể khác nhau về câu chuyện, nhưng đều có một điểm chung: Không biết chính xác ai là người đứng sau.

Tương tự với kênh cho người lớn, đa phần khó có thể xác định chủ nhân điều hành thực sự. Điều này là do trong điều khoản sử dụng, YouTube không yêu cầu nhà cung cấp nội dung phải đưa thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, nơi ở… lên kênh.

Thậm chí, ngay cả khi thông tin trên công khai, chúng cũng không thực sự chính xác do không có ai xác thực. Ví dụ, kênh Kids Diana Show chuyên đăng video đánh giá đồ chơi trẻ em ghi thông tin trụ sở ở Mỹ, nhưng lại chèn rất nhiều liên kết dẫn đến website tiếng Nga. Nỗ lực tìm hiểu thông tin về chủ nhân thực sự của Kids Diana Show đều không thành công, tương tự với các kênh khác.

Kể từ khi bị Google mua năm 2006, YouTube phát triển nhanh chóng và trở thành mạng video hàng đầu thế giới. Một trong những điểm được đánh giá hấp dẫn của YouTube là cho phép bất kỳ ai cũng có thể mang nội dung lên nền tảng, không kể người đó có học thức cao hay thấp, trình độ chuyên môn gì, cuộc sống như thế nào…





Những nội dung độc hại, hình ảnh ghê sợ vẫn thường xuất hiện trên YouTube, kể cả YouTube Kids cho trẻ em.

Những nội dung độc hại, hình ảnh ghê sợ vẫn thường xuất hiện trên YouTube, kể cả YouTube Kids cho trẻ em.

Tuy nhiên, mô hình đó đang bị rất nhiều nhà làm luật và chính sách chỉ trích, bởi các nội dung “thượng vàng hạ cám” được đăng lên, rất khó để chọn lọc. Việc tiếp cận những thứ độc hại như vậy sẽ khiến thế hệ trẻ bị tác động, từ đó có suy nghĩ hoặc hành động lệch lạc, thậm chí gây nguy hiểm cho chúng và người khác. Cũng chính vì vậy, năm 2015, YouTube ra YouTube Kids, cho phép phụ huynh chọn nội dung phù hợp với trẻ em, cũng như tùy chọn khác về giới hạn thời gian xem, ngăn chặn kênh không mong muốn… Thế nhưng, ngay cả khi có ứng dụng chuyên dụng, YouTube vẫn bị chỉ trích khi để các bình luận tiêu cực xuất hiện bên dưới video.

“Việc không thể xác định ai đứng sau kênh dành cho trẻ em là điều thiếu trách nhiệm của YouTube”, Josh Golin, Giám đốc chiến dịch vận động không quảng cáo hướng tới trẻ em (Campaign for a Commercial-Free Childhood) của Mỹ, nhận xét.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng hoạt động ẩn danh trên YouTube khiến những nhà sản xuất nội dung làm ra một lượng lớn video để thu hút trẻ em, nhận tiền quảng cáo dù nội dung không bổ ích mà người đăng lại không phải chịu trách nhiệm về hậu quả tác động nếu nó xảy ra. “Tôi đang xem một video về việc thả kẹo Mentos vào Coca-Cola và xem chúng phun trào. Tôi đang đợi một câu hỏi, chẳng hạn ‘Con có biết tại sao lại có hiện tượng này không?’ nhưng hoàn toàn không có. Nhiều nội dung đơn giản chỉ kích thích tò mò, không hề mang tính giáo dục”, Renée Chernow-O’Leary, nhà tư vấn giáo dục và cựu giám đốc nghiên cứu của tổ chức Sesame Street, kể lại.

Theo đại diện YouTube, bất kỳ tài khoản Google nào cũng có thể tải nội dung lên YouTube. Nhưng có thể bật kiếm tiền, họ phải cung cấp một số thông tin để xác minh như tên, địa chỉ, số điện thoại… Tuy vậy, công ty cho biết chỉ tập trung vào giám sát nội dung, bản quyền thay vì kiểm soát nhà sáng tạo hay hướng dẫn để họ sản xuất video thân thiện với trẻ em.





Nhiều bậc phụ huynh vẫn dùng YouTube để làm bảo mẫu cho con nhỏ. Ảnh: WSJ.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn dùng YouTube để làm “bảo mẫu” cho con nhỏ. Ảnh: WSJ.

WSJ mới đây đã tìm cách liên lạc với 10 kênh YouTube trẻ em đứng đầu thế giới, theo xếp hạng của Social Blade nhưng chỉ tiếp cận được một kênh trong số đó. Với 9 kênh còn lại, có 7 kênh không hề trả lời email và điện thoại hoặc không thể tìm thông tin liên lạc, 2 kênh từ chối trả lời phỏng vấn. Kênh còn lại là El Reino Infantil, chủ yếu đăng video hoạt hình tiếng Tây Ban Nha. Ông Roberto Pumar, Giám đốc kênh, cho biết mình làm trong ngành nhạc hơn 30 năm và công ty đặt trụ sở tại Buenos Aires (Argentina), có 60 nhân viên đang làm việc.

Trở lại với CoCoMelon, đây là kênh cho trẻ em lớn nhất thế giới với 43 triệu người đăng ký, khởi tạo vào tháng 9/2006. Theo ước tính của Social Blade, kênh này thu khoảng 120 triệu USD tiền quảng cáo mỗi năm. Đồng thời, tầm ảnh hưởng của nó cũng mang tính toàn cầu. Video của kênh cũng có sức lan tỏa lớn, khiến hàng trăm kênh khác cũng phải bắt chước nội dung với hy vọng thuật toán YouTube “để ý”, từ đó gợi ý cho người dùng.

Tuy vậy, thông tin sở hữu của kênh này hoàn toàn ẩn danh, tin nhắn gửi đến không có phản hồi, Treasure Studio – công ty xuất hiện trong phần giới thiệu của CoCoMelon – không thể tiếp cận qua điện thoại. Kể cả khi liên lạc với các nhân viên qua Facebook hoặc LinkedIn cũng không hiệu quả.

Một số chuyên gia còn lo ngại nội dung tập trung cho trẻ em được điều hành bởi những người không có quá khứ trong sáng. Chẳng hạn, một kênh (giấu tên) chuyên mở hộp đồ chơi nổi tiếng, có hàng triệu đăng ký nhưng đứng sau là một nhân vật từng là ngôi sao phim khiêu dâm, trong khi nhân viên từng bị chính quyền buộc tội lạm dụng trẻ em.

Ngày nay, nội dung trên YouTube đang là một “bảo mẫu” đối với các bậc phụ huynh. Số liệu khảo sát của Pew Research Center thực hiện năm 2018 cho thấy, 81% phụ huynh có con dưới 11 tuổi cho con xem YouTube và 34% với tần suất thường xuyên.

Một số phụ huynh nói rằng họ thấy một số nội dung YouTube làm mê mẩn trẻ nhỏ nhưng để lại hậu quả đáng lo ngại. “Ban đầu, tôi sử dụng YouTube để con đỡ làm phiền mình. Sau đó, tôi bắt đầu để ý hơn khi cô con gái 2 tuổi tỏ ra cực kỳ thích thú với mọi video mở trứng có quà. Sự lo lắng ngày càng lớn khi nhà sản xuất video cố tình cho càng nhiều trứng xuất hiện càng tốt”, bà Johanna Peyton sống tại Texas (Mỹ) kể lại. “Tôi nghi ngờ họ có chủ đích và từ đó, tôi không cho con mình xem video nữa”

Bảo Lâm (theo WSJ)


Viết một bình luận