[Mới nhất] góc nhìn từ kinh tế học

Nhiều bạn trẻ thất nghiệp, thậm chí sẵn sàng bỏ công việc chính để theo đuổi trào lưu “làm Youtuber, TikToker”.

Không thể chối cãi sự hấp dẫn khi chứng kiến những thành công về mặt xã hội, tài chính, của các ngôi sao mạng xã hội, nhiều người trẻ thất nghiệp hoặc bỏ việc giới trẻ bỏ việc để đi làm sáng tạo nội dung, trở thành Youtuber, TikToker…

Tuy nhiên, theo tôi, các bạn trẻ cần tỉnh táo đánh giá những rủi ro, đánh đổi khi theo đuổi sự nghiệp này.

Mô hình kiếm tiền từ sáng tạo nội dung mạng xã hội

Hiện nay hầu hết các mạng xã hội lớn như Youtube, Facebook… đều có các chính sách trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung dựa trên lượt xem video, chủ yếu để kéo lượng truy cập khủng và thu hút tương tác của người dùng.

Có thể hình dung Youtube như một kênh truyền hình khổng lồ, càng nhiều người xem thì họ càng lớn mạnh, đổi lại họ sẽ thu được nguồn doanh thu lớn từ những nhà quảng cáo trên nền tảng.

TikTok cũng tự khẳng định họ là một nền tảng truyền thông trực tuyến (media platform), chứ không phải mạng xã hội. Điều này đề cao tầm quan trọng của những nội dung chất lượng trên nền tảng TikTok.

Là một người sáng tạo nội dung, ngoài nguồn thu từ các nền tảng dựa trên số lượng xem video, những ngôi sao mạng xã hội còn có lợi thế về mặt thương hiệu cá nhân, có nguồn thu từ quảng cáo đặt hàng của các doanh nghiệp khi quảng bá cho thương hiệu, tham gia các sự kiện lớn, livestream bán hàng…

Hiện nay ở Trung Quốc, mô hình thương mại mạng xã hội (social commerce) rất phát triển, với các ngôi sao livestream có thể bán được doanh thu khủng trị giá hàng triệu tệ trong mỗi phiên, là giấc mơ của các nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, để đạt được thành công trên, nhà sáng tạo nội dung cần đạt được điểm bùng phát, có lượng người theo dõi lớn để tạo đà cho sự lan tỏa (viral) của các nội dung đăng tải.

Thời sơ khai của các nhà sáng tạo nội dung đời đầu đạt được thành công trên nền tảng Youtube, rồi sau này là TikTok, đã qua; hiện nay với sự nở rộ của trào lưu sáng tạo nội dung, việc cạnh tranh để thu hút người theo dõi rất vất vả. Ngoại trừ việc khai thác các nội dung theo thị trường ngách, việc tạo ra nội dung tương tự với những kênh xã hội đã lớn mạnh sẽ khiến việc cạnh tranh rất khó khăn.

Lịch sử đã chứng minh những công ty truyền thông lớn có cả một hệ thống các kênh Youtube lớn để hỗ trợ lẫn nhau, giúp tăng lượng người theo dõi và số lượt xem; hoặc hiện nay có công ty với cả một hệ sinh thái các kênh Youtube, TikTok có thể hỗ trợ chéo. Việc các nhà sáng tạo nội dung độc lập rất khó để cạnh tranh với những hệ sinh thái lớn.

Theo lý thuyết “Chiếc đuôi dài” của tác giả Chris Anderson phổ biến từ năm 2004, trên không gian trực tuyến, bên cạnh những nội dung, sản phẩm ở phân khúc phổ biến, có lượng quan tâm, mua hàng lớn; vẫn có những sản phẩm, nội dung ở thị trường ngách, nằm ở phân khúc “chiếc đuôi dài”, nếu được khai thác tốt sẽ tạo ra doanh thu.

Lý thuyết này khá phổ biến trong lĩnh vực tối ưu hóa tìm kiếm (Search Engine Optimization), và cũng có thể vận dụng trong mảng sáng tạo nội dung. Khi bạn tạo ra những nội dung thú vị ở thị trường ngách, chưa nhiều người khai thác, bạn sẽ thu hút được nhiều lượt theo dõi, lượt xem, tích lũy để tiến đến điểm bùng phát.

Những nền tảng Youtube, TikTok… phân bổ thanh toán lượng tiền khủng cho những nhà sáng tạo nội dung hàng đầu, đa phần những người mới khởi nghiệp sáng tạo nội dung đều không được trả tiền, hoặc được trả rất ít.

Những thay đổi trong chính sách thanh toán của các trang mạng lớn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của bạn trong tương lai, nên gần như bạn làm không công cho họ.

Những việc cần làm

Những nhà sáng tạo nội dung thành công đều khởi đầu từ đam mê cá nhân, hoặc kiến thức chuyên sâu của họ về một lĩnh vực nhất định. Ví dụ một nhà nghiên cứu tâm lý thành công thì khi họ sáng tạo nội dung về lĩnh vực này trên mạng xã hội, những nội dung của họ sẽ có sức nặng và thu hút người xem hơn.

Đa phần với trào lưu chạy đua thành ngôi sao mạng xã hội hiện nay, có khá nhiều nội dung rác, khi người sáng tạo khởi đầu với mục tiêu kiếm tiền, không tập trung xây dựng chất lượng, hoặc nói về những chủ đề họ hiểu rõ.

Điều này rất nguy hiểm, khi những ngôi sao mạng xã hội “ảo tưởng sức mạnh”, đưa ra những nội dung sai lầm, dễ gây tranh cãi hoặc bị người xem phản bác.

Hãy tập trung phát triển bản thân, xây dựng kiến thức, kinh nghiệm của mình trong công việc, sau đó lựa chọn con đường làm mạng xã hội như một nghề nghiệp thứ hai. Bạn sẽ đỡ bị áp lực tài chính trong thời gian đầu tham gia ngành sáng tạo nội dung, đồng thời có thể tạo ra những nội dung chất lượng.

Hãy nghĩ rằng việc tham gia sáng tạo nội dung trên mạng xã hội như một cách để làm thương hiệu cá nhân, giúp hỗ trợ phát triển sự nghiệp trong môi trường thật.

Hãy khởi động với những nội dung trong thị trường ngách, ở phân khúc “Chiếc đuôi dài”, điều này giúp hạn chế cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn và tạo nền tảng cho các thành công trong tương lai.

Hãy cẩn thận với an toàn sức khỏe tinh thần và cơ thể. Những trào lưu như Mukbang, ăn một lượng lớn thực phẩm trong thời gian ngắn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và sức khoẻ cơ thể.

Khi trở thành người của công chúng, bạn sẽ đối diện nhiều áp lực tâm lý khi hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng mạng, đồng thời theo thời gian bạn có thể bị trôi vào quên lãng, không còn hợp thời và thu hút người xem.

Hãy xây dựng những phương án tài chính cho tương lai, có nghề nghiệp ổn định để đảm bảo cho cuộc sống và những biến cố không ngờ trước trong 10-20 năm tới. Đã có những trường hợp các ngôi sao mạng xã hội tự tử vì không chịu nổi áp lực tâm lý, hoặc lâm vào khó khăn khi lượng người quan tâm giảm sút.

Ngoài ra, cuộc đời của bạn cũng không thể dựa vào những thuật toán luôn thay đổi của các nền tảng Youtube, TikTok.

Tuấn Nguyễn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.


Viết một bình luận