Nhiều cha mẹ thấy con quấy khóc một chút là mở Youtube, game… để mình thảnh thơi.
Tôi thấy nhiều người quy kết tình trạng người trẻ thụ động và lạc lối hiện nay chỉ do giáo dục ở nhà trường là hơi hạn hẹp. Giáo dục ở trường học (từ tiểu học) của ta tồn tại nhiều vấn đề thì không có gì bàn cãi. Nhưng giáo dục ở địa phương và gia đình càng vô cùng quan trọng bức thiết nhưng thấy hơi ít người ý kiến quan tâm sửa đổi.
Ví dụ một mảng nhỏ như sau. Tôi ở nước ngoài, người ta giáo dục cho trẻ từ tuổi 0 cho tới mầm non rất kỹ, quan sát để ý từ mốc phát triển trí tuệ theo từng tháng cho tới 3 tuổi.
Nhưng ở ta, cha mẹ sinh con xong chăm được một thời gian thì buộc phải để con cho ông bà chăm hoặc gửi nhà trẻ, mầm non tự phát ở địa phương, để còn bươn chải mưu sinh.
Tất cả những người chăm trẻ này đều không thật sự quan tâm đến sự phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ. Hầu như người trông đều xoay quanh việc ăn ngủ, cho xem tivi hoặc Youtube để giữ trẻ an toàn trong nhà, ngày qua ngày cho tới khi đủ tuổi đi học. Và hầu như không ai nghĩ những năm đầu đời như thế có ảnh hưởng quan trọng đến một đứa trẻ như thế nào.
Tôi về nước ăn Tết có để ý xung quanh xóm xem người ta chăm con thế nào. Những đứa nhỏ ngày nghỉ không đi học hoặc không ai trông sẽ được ba mẹ dắt theo bên mình. Nhưng tay trẻ luôn cầm điện thoại hoặc iPad để xem Youtube, chơi game yên lặng, không quấy rầy người lớn. Cuối tuần thấy nhiều người dắt con đi siêu thị nhưng bé mới quấy khóc một chút là mở Youtube, game.. để cha mẹ thảnh thơi.
Những đứa trẻ bị mài mòn đầu óc từ thuở bé như vậy, thì học hành thế nào? Dù cho cách giáo dục ở trường có cởi mở hơn nữa nhưng nếu cha mẹ không quan tâm à định hướng cho con cái thì rất khó thay đổi vấn đề.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.