Cháu tôi 12 tuổi, nói vì tình nghĩa huynh đệ nên sẵn sàng đánh nhau sau khi xem vài bộ phim giang hồ trên mạng.
Tôi có một trải nghiệm khá sâu sắc mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Khi dòng phim được cho là phim “giang hồ” chiếu mạng manh nha khởi đầu, tôi về quê của mình là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và thấy đứa cháu 12 tuổi xem gì đó trên điện thoại rất chăm chú và tỏ vẻ thích thú vô cùng. Tôi lại gần hỏi: “Xem gì đó con”. Nó hào hứng trả lời: “Cậu xem đi nè cậu, hay lắm đó, đi chém lộn mà cũng được lên tivi nè cậu.”
Thoáng chốc sau đó, sau khi xem xong đứa cháu tôi kể vanh vách những nội dung nó vừa xem được cho tôi nghe, rồi tuyên bố xanh rờn là sau này nó sẽ sống vì anh em, tình nghĩa huynh đệ là trên hết. Nó sẽ chém hết, dẹp hết những đứa chơi trò bẩn thỉu. Sau khi nghe xong trong cổ tôi đột nhiên thắt nghẹn lại.
Tôi tới hỏi thăm ba mẹ cháu có biết có biết cháu đang xem phim thể loại này hay không. Ba mẹ cháu trả lời tỉnh bơ: “Có, phim hay mà, nó coi đâu sao đâu.” Tôi lại nghẹn lần hai.
>> Cùng tác giả: Sự phân cực của phim truyền hình Việt
Ở cái tuổi của cậu bé, chớm bước vào tuổi nổi loạn, thích chứng minh, thích thể hiện. Liệu rằng khi xem những bộ phim có các cảnh hàng loạt thanh niên dàn hàng ngang đem mã tấu, súng ống, xăm hình vằn vện mặt mày sưng sỉa… nhảy bổ vào nhau, để chiếm địa bàn, để tranh dành quyền lực, tiền bạc và gái…, thì đứa trẻ kia có đủ “rào chắn” như người lớn chúng ta, xem xong vứt mớ hình ảnh hỗn loạn kia ra khỏi não ngay hay không?
Câu hỏi đó cứ ảm ảnh, đeo đuổi theo tôi mãi đến tận lúc này khi dòng phim giang hồ ấy giờ đây ngày càng biến tướng. Nhà nhà làm, người người làm, các bạn thanh niên chưa đủ trải nghiệm cuộc sống, chưa đủ kiến thức làm phim cũng nhảy vào làm với ước mơ phát triển kênh youtube của mình thành kênh triệu view.
Dẫu biết phim ảnh là sản phẩm tưởng tượng, nhà làm phim có quyền biến những thứ mình nghĩ thành những hình ảnh chân thực, rõ ràng nhất. Nhưng họ đã bao giờ nghĩ đến hệ quả khi các trẻ em vị thành niên và những “người trẻ nhiều tuổi” sau khi xem nhiều sản phẩm của mình đã có những cung cách, thái độ sống y chang các nhân vật như phim không?
Thành phần khán giả này đâu nhất thiết học hành thêm làm gì, đâu nhất thiết đọc thêm sách gia tăng kiến thức, đâu cần biết những thứ đang xảy ra xung quanh xã hội ta… chỉ cần sống đúng nghĩa anh em, huynh đệ là được, có chuyện gì xảy ra cứ kéo băng, kéo đảng tới “nói chuyện” y như mấy nhân vật trong phim là được.
Tôi nhận ra điều đó khi nhiều lần chứng kiến và nghe lỏm vài anh thợ hồ đòi trở thành nhân vật trong phim thay vì phấn đấu tương lai trở thành một người thợ cả lành nghề, hay chủ thầu xây dựng, cô thợ làm tóc muốn thành “nữ trung hào kiệt” bảo kê “gái làng chơi” thay vì phấn đấu làm tốt công việc của mình đang có.
>> ‘Ngáo quyền lực giang hồ’ từ trên mạng ra ngoài đời
Họ hâm mộ và muốn trở thành những nhân vật trong phim… mà suy theo góc nhìn pháp luật hiện thời, những nhân vật đó… đang vi phạm luật pháp rõ mồn một. Phải chăng phim ảnh đang cổ suý cho người dân ngày càng trở nên hung hăng và hành xử theo kiểu giang hồ?
Câu hỏi ấy cứ đeo mãi trong đầu tôi, và vì cũng chỉ là một người bình thường tôi chưa dám tự đưa ra câu trả lời khi chưa có một khảo sát và minh chứng cụ thể. Nhưng cảm giác chủ quan trong tôi là: Có.
Và nếu có, thì chúng ta cần làm gì để khán giả trẻ em vị thành niên, và “những người trẻ nhiều tuổi” có được “đề kháng” thiệt tốt để tự nhận ra rằng phim ảnh chỉ là để xem giải trí? Xem phim ảnh giúp cho ta hướng thiện, xem giúp cho thay nhận ra ta cần thay đổi gì để cải thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và to lớn hơn nữa là góp phần kiến tạo một cộng đồng xã hội văn minh.
Chứ xem phim xong để muốn trở thành những nhân vật hở ra là hung hăng, hở ra là chỉa súng, dao, mã tấu vào đầu người khác, thì xã hội này sẽ càng thêm loạn mất.
Lâm Long
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.