[Mới nhất] YouTube xóa video đốt cột sóng 5G

YouTube sẽ xoá các video về “thuyết âm mưu 5G” sau khi loạt tin giả rằng loại sóng này làm lây lan Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội.

Ngoài ra, bất kỳ video nào có nội dung tương tự hoặc về thuyết âm mưu 5G (không liên quan đến Covid-19) cũng sẽ bị chặn và xóa khỏi kết quả tìm kiếm.





Một số người Anh đã tìm cách đốt cột sóng viễn thông vì tin loại đây là nguyên nhân lây lan Covid-19.

Một số người Anh đã tìm cách đốt cột sóng viễn thông vì tin loại đây là nguyên nhân lây lan Covid-19.

“YouTube có chính sách rõ ràng về việc cấm các video quảng bá những hình thức ngăn chặn Covid-19 không có căn cứ về mặt y tế. Những video dạng này sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn, bởi chúng có thể gây hại cho người dùng”, phát ngôn viên của YouTube nói với The Guardian.

Theo The Verge, hiện có ít nhất bảy tháp di động đã bị đốt cháy ở Anh tuần qua, bốn trong số đó bị phá hoại trong 24 giờ qua. Điều này xảy ra sau khi có thông tin lan truyền trên Internet rằng mạng 5G là nguyên nhân phát tán virus corona, khiến dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Trên một số nhóm Facebook và Nextdoor ở Anh, hàng nghìn người tin vào thuyết âm mưu xoay quanh việc virus corona có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), một trong những nơi vừa triển khai dịch vụ mạng 5G sớm trên thế giới.

Việc xóa video về thuyết âm mưu 5G là động thái mới nhất của YouTube liên quan đến tin giả – một trong những vấn nạn trên mạng xã hội thời gian qua. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, các thông tin gây sai lệch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên Internet, nhất là trên các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, WhatsApp, YouTube và Twitter.

Trước tình trạng trên, tổ chức Y tế Thế giới cho biết đang cùng các mạng xã hội lớn đối phó với tình trạng tin thất thiệt tràn lan. Facebook, Google, Twitter… cùng khẳng định sẽ sàng lọc và xóa bất kỳ nội dung nào trên nền tảng nếu cảm thấy nghi ngờ tính chính xác.

Theo khuyến cáo của Facebook, người dùng trước khi chia sẻ tin tức, nên xem xét kỹ tiêu đề, tìm hiểu nguồn tin, cảnh giác với định dạng hay lỗi chính tả bất thường, xem kỹ hình ảnh, rà soát bằng chứng, cũng như đối chiếu nội dung đó với các nguồn uy tín.

Bảo Lâm


Viết một bình luận