Nhiều video nhảm nhí nhận hàng triệu lượt xem trên YouTube, nhưng phần lớn đến từ người xem là trẻ em.
“Trên môi trường Internet, chúng ta khó xác định chính xác người xem là ai. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, một phần không nhỏ người xem các video nhảm nhí là người trẻ, đặc biệt là trẻ em”, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc sở TT&TT Bắc Giang nhận định. Sở TT&TT Bắc Giang cũng là nơi theo dõi và xử phạt YouTuber Nguyễn Văn Hưng hai lần trong một tháng vì các video không phù hợp thuần phong mỹ tục. Theo ông Chiêu, nếu để các video trên tồn tại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của người trẻ.
Trong một video xin lỗi gửi đến người xem YouTube mới đây, Nguyễn Thành Nam – một YouTuber chuyên làm video nhảm nhí tại Việt Nam – cũng thừa nhận, “có rất nhiều trẻ em đang xem kênh của anh mà phụ huynh không kiểm soát được”.
Việc đo đếm độ tuổi người dùng trên nền tảng YouTube không dễ. Theo một chuyên gia quảng cáo online đang làm việc tại TP HCM, YouTube chưa công bố số liệu về người dùng nền tảng của mình ở bất cứ thị trường nào, bao gồm Việt Nam. Việc xác định độ tuổi của người xem cũng khó chính xác, bởi nền tảng này cho phép xem mà không cần đăng ký tài khoản với các video thông thường. Nhiều trường hợp, tài khoản của một người nhưng cả gia đình sử dụng. Công cụ quản lý của YouTube cũng chỉ thống kê độ tuổi của người xem từ 13 tuổi trở lên, trong khi tại Việt Nam, nhiều trẻ em tiếp cận với video trên nền tảng này từ khi còn rất nhỏ.
Trong top 10 kênh YouTube Việt Nam được xem nhiều nhất, có 5 kênh dành cho trẻ em, theo thống kê của SocialBlade. Những kênh như Thơ Nguyễn, Babybus, Bibi TV đều đạt trên 3 tỷ lượt xem.
Ngoài ra, một loại hình khác là những kênh không phải video cho trẻ em, nhưng lại chứa những nội dung thu hút trẻ em, chẳng hạn dạng nhạc chế, thử thách, trêu trọc… Những kênh này cũng đạt hàng tỷ lượt xem. Đây chính là loại hình video phổ biến và “nguy hiểm” nhất hiện nay.
“Đa số những người xem video dạng này là trẻ em, học sinh cấp 1, 2. Nếu thấy em nào trong độ tuổi này cầm điện thoại hoặc máy tính bảng, 90% số đó là xem YouTube”, người dùng Lê Anh (Hà Nội) bình luận.
“Nhà ai có trẻ em từ 5 đến 15 tuổi sẽ hiểu các video này có lượt xem từ đâu”, người dùng Xuân Trường bình luận trong bài viết về nạn YouTube nhảm nhí tại Việt Nam. Theo anh Trường, ở lứa tuổi này, các em nhỏ thường chưa nhận thức được sự nguy hiểm trong nội dung video. Ngoài ra, thói quen của trẻ em là xem đi xem lại, vô tình làm tăng lượt “view” cho các kênh YouTube nhảm nhí.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số, các kênh YouTube nhảm có nguồn thu chính từ quảng cáo của Google. Kênh càng có nhiều lượt xem, doanh thu càng cao, vì vậy áp lực câu view hàng ngày khiến cho các kênh nội dung này ngày càng nhảm, hoặc các kênh phải cố tình làm nhảm để thu hút người xem là trẻ em, từ đó tăng view, tăng doanh thu.
“Khi bị cộng đồng phản ứng vì các video nhảm nhí hoặc nguy hiểm, các chủ kênh đều nói rằng video họ làm ra cho người lớn xem chứ không phải trẻ em, nhưng ai cũng biết chẳng người lớn nào xem các video này. Nếu thực sự nhắm đến người lớn, họ có thể đặt chế độ giới hạn độ tuổi, nhưng hầu hết đều không làm vậy”, Nguyễn Khôi, một người làm YouTube tại Hà Nội nhận xét.
Trang Wired trích nghiên cứu của tổ chức Pew năm 2019 rằng: “Một trong những bí quyết thành công trên YouTube là hướng đến trẻ em”. Thống kê của Pew trên 43 nghìn kênh YouTube có trên 250 nghìn lượt đăng ký cho thấy video có yếu tố trẻ em thu hút lượt xem cao gấp 3 lần video khác.
Trong điều khoản sử dụng, YouTube khẳng định họ không phải là nền tảng cho trẻ em, bởi nền tảng này yêu cầu người dùng trên 13 tuổi. Với các lứa tuổi khác, trẻ em phải sử dụng YouTube Kid và có sự cho phép của người giám hộ. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện sát sao tại Việt Nam. Theo ông Trần Minh Chiêu, nhiều gia đình, đặc biệt ở nông thôn, chưa hiểu rõ về công nghệ nên không thể kiểm soát được con cái trên Internet. “Nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm từ xưa cho rằng đã lên TV thì đều là nội dung chính thống, nên tin tưởng và cho con em xem thoải mái. Trong khi hiện nay, TV có thể chứa rất nhiều nội dung từ các nền tảng mạng xã hội”, ông Chiêu nói.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, cần phải xử lý nghiêm với các video nhảm và người làm ra chúng, bởi các video này có thể tác động xấu đến giới trẻ. “‘Văn hoá nhảm’ trên mạng đang lấy đi thứ quý giá của chúng ta là thời gian, đồng thời làm cho các bạn trẻ lười vận động, lười giao tiếp ngoài đời, muốn khẳng định cái tôi nhưng theo hướng lệch chuẩn hành vi. Chúng ta cần lên án, tẩy chay, không để lan toả trong cộng đồng những hình tượng và hành vi xấu như vậy”, ông Phúc nói.
Lưu Quý