Các nhà quảng cáo chữa bệnh xương khớp, sỏi thận, xuất hiện dày đặc trên YouTube, do nhà quảng cáo chấp nhận bỏ nhiều tiền để tăng độ phủ sóng.
Thời gian qua, nhiều người dùng YouTube tại Việt Nam phản ánh tình trạng phải xem đi, xem lại những đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng cho nam giới, thuốc gia truyền… trên nền tảng này ở cả smartphone, máy tính, Smart TV… Tình trạng trên từng rộ vào cuối năm 2020 rồi lắng xuống, gần đây trở lại với mức độ mạnh khiến nhiều người khó chịu.
“Tôi không có vấn đề gì về sức khỏe, cũng chưa từng tìm kiếm các loại thuốc gia truyền, nhưng vẫn bị quảng cáo này nhắm đến”, người dùng Thanh Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) nói. Anh Phong cho biết, sự khó chịu không chỉ đến từ việc chúng tiếp cận sai đối tượng, mà còn lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngọc Loan, nhân viên văn phòng ở TP HCM, có thói quen nghe nhạc trên YouTube. Loan cho biết có ngày phải nghe hàng chục quảng cáo dạng này, từ “nhà tôi ba đời chữa sỏi thận”… đến “tôi nhận chữa bệnh xương khớp”… từ các “nhà thuốc gia truyền” khác nhau.
Theo các chuyên gia về quảng cáo online, việc quảng cáo xuất hiện nhiều thực chất là do cơ chế phân phối của YouTube. Nếu không có nội dung về thuốc, nền tảng này cũng sẽ cho xuất hiện sản phẩm từ các nhãn hàng khác. Tuy nhiên, với các quảng cáo thuốc lặp lại như trên, “các cơ sở này đã chi nhiều tiền để hình ảnh xuất hiện mạnh hơn các đơn vị khác và tiếp cận người dùng trên diện rộng”, Giang Hà, người có nhiều năm kinh nghiệm quảng cáo Google, cho biết.
Theo anh Giang, các nhãn hàng khi chạy quảng cáo thường nhắm mục tiêu chi tiết, nhằm tiếp cận các khách hàng tiềm năng, tăng khả năng chuyển đổi thành đơn hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp các quảng cáo “thuốc gia truyền” kể trên, đơn vị thực hiện đã chọn phương án “mass” – tức là đưa các nội dung này phủ sóng rộng nhất có thể, không cần biết người xem có nhu cầu hay không. Đây là lý do nhiều người phải xem các quảng cáo này, thậm chí mở trình duyệt ẩn danh cũng gặp.
“Quảng cáo mass có chi phí trên mỗi lượt xem (CPV) thấp hơn quảng cáo nhắm mục tiêu chi tiết. Vì vậy, với cùng một ngân sách, các đơn vị thực hiện có thể tăng tần suất và độ phủ nội dung”, anh Giang cho hay.
Vũ Khiêm, quản trị viên cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, cho biết, trước đây, các quảng cáo “Đông y” này vốn xuất hiện nhiều trên Facebook. Tuy nhiên thời gian qua, Facebook thắt chặt nội dung, giới quảng cáo phải chuyển sang nền tảng của Google và đặc biệt chú trọng YouTube vì có lượng người xem lớn.
Anh Khiêm cho rằng do ngân sách được dồn cho YouTube, các đơn vị nhận quảng cáo có thể chấp nhận ra giá thầu cao để nội dung được ưu tiên xuất hiện, cũng như có thể phủ diện rộng. “Phương án này vốn chỉ dành cho các ngành có lợi nhuận rất cao”, anh Khiêm nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng các “nhà thuốc” trên đã “lách luật” để được xuất hiện trên YouTube. Chính sách của nền tảng này chỉ cho phép một số thị trường được quảng cáo bán thuốc theo toa trực tuyến, không bao gồm Việt Nam. Ngoài ra để có thể phổ biến tới người xem, nhà thuốc cần được Google chứng nhận.
Đại diện Google không giải thích vì sao các quảng cáo thuốc nói trên vẫn được duyệt. Đơn vị này chỉ khẳng định “khi phát hiện thấy quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ”.
Trong báo cáo An toàn quảng cáo năm 2020, Google cho biết đã xóa 3,1 tỷ quảng cáo vi phạm, trong đó có hơn 200 triệu quảng cáo liên quan đến lĩnh vực thuốc và sức khỏe.
Lưu Quý