Kang Na-ra chưa từng biết đến Internet khi còn ở Triều Tiên, nơi YouTube, Instagram hay Google là những khái niệm xa lạ.
Kang Na-ra bây giờ là ngôi sao YouTube với hơn 350.000 người theo dõi. Các video nổi tiếng nhất của cô thu hút hàng triệu lượt xem. Cô có tài khoản Instagram hơn 130.000 người theo dõi, ký hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu lớn như Chanel hay Puma.
Cô là một trong số ngày càng nhiều người đào tẩu Triều Tiên trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sau khi tới Hàn Quốc. Hàng chục người đi theo con đường này trong thập kỷ qua. Thông qua các video trên mạng xã hội, họ mang đến cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống ở đất nước Triều Tiên, như ẩm thực, tiếng lóng, thói quen sinh hoạt.
Một số kênh cung cấp nhiều nội dung chính trị hơn, bàn về quan hệ của Triều Tiên với những nước khác. Những người khác khai thác các khía cạnh trong thế giới của người giàu hay những nội dung về văn hóa và giải trí đại chúng.
Với những người Triều Tiên đào tẩu tới Hàn Quốc, các nền tảng trực tuyến vừa dẫn họ tới con đường độc lập về tài chính, vừa đem lại cảm tự tin, giúp họ hòa nhập vào một thế giới mới đầy khó khăn.
Kang, 25 tuổi, đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2014 để đoàn tụ với mẹ, người đã tới quốc gia này từ trước. Khi mới tới Hàn Quốc, cuộc sống của Kang rất khó khăn, do phải đối mặt với sự cô đơn, cú sốc văn hóa và áp lực tài chính.
Thị trường việc làm cạnh tranh ở Hàn Quốc thậm chí còn khó khăn hơn với người đào tẩu, khi họ phải điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới nhiều xô bồ và thái độ thù địch từ một bộ phận người địa phương.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính đến năm 2020, 9,4% trong số hơn 33.000 người Triều Tiên đào tẩu thất nghiệp, hơn gấp đôi so với 4% dân số Hàn Quốc nói chung. Bước ngoặt đến với Kang khi cô được tư vấn đi học cùng những người đào tẩu khác. Tới khi cô xuất hiện trong một chương trình truyền hình Hàn Quốc, cuộc sống “mới bắt đầu thú vị”, Kang nói.
Trong những năm 2010, sự chú ý ngày một lớn của công chúng Hàn Quốc với người Triều Tiên tạo ra thể loại show truyền hình mới. Khách mời là người đào tẩu, xuất hiện để chia sẻ trải nghiệm bản thân khi tới Hàn Quốc.
Một số chương trình nổi tiếng nhất là “Trên đường tới gặp bạn”, phát sóng lần đầu năm 2011 và “Câu lạc bộ Moranbong” phát sóng năm 2015. Kang xuất hiện ở cả hai chương trình. Đó là quãng thời gian lần đầu cô biết đến YouTube và bị thu hút bởi các video dạy trang điểm, làm đẹp và thời trang.
Tới năm 2017, Kang tự lập kênh riêng, tận dụng sự nổi tiếng đang lên của mình và “ghi lại cuộc sống thường nhật cho những người yêu mến tôi qua các chương trình truyền hình”.
Nhiều video của Kang giới thiệu cho khán giả sự khác biệt giữa văn hóa hai miền như tiêu chuẩn tương phản về vẻ đẹp. “Ở Triều Tiên, ngực lớn được coi là không đẹp”, Kang cười phá lên trong một video, kể lại mình đã ngạc nhiên thế nào khi phát hiện ra áo lót có độn ngực và phẫu thuật nâng ngực ở Hàn Quốc.
Trong những video khác, cô trả lời các câu hỏi về quá trình đào tẩu. Kênh của Kang bắt đầu nổi tiếng tới mức ba công ty đề nghị làm quản lý cho cô, thuê người sản xuất video và bắt đầu thu hút khách hàng để chạy tài trợ quảng cáo trên Instagram.
“Hiện tôi có nguồn thu nhập ổn định”, Kang nói. “Tôi có thể mua sắm hay ăn uống bất kỳ thứ gì, tôi cũng có thể nghỉ ngơi nếu muốn”.
Mô hình thành công này được những YouTuber đào tẩu từ Triều Tiên áp dụng, như Kang Eun-jung với hơn 177.000 người đăng ký, Jun Heo với hơn 270.000 người trước khi gỡ kênh trong năm nay, Park Su-hyang với hơn 45.000 người.
“Tôi cho rằng một trong những yếu tố thành công là họ nắm quyền kiểm soát, họ không bị ông chủ người Hàn Quốc ra lệnh, không phải căng thẳng trong môi trường văn hóa làm việc kiểu Hàn Quốc”, Sokeel Park, giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận, nói.
“Có thể hơi vất vả nhưng họ có công ty hỗ trợ, tự làm chủ, tự lên lịch trình”, Park giải thích.
Truyền hình giúp tăng cường sự nổi tiếng của một số người đào tẩu có ảnh hưởng, nhưng cũng gây tranh cãi trong dư luận Hàn Quốc. Một số người cho rằng các chương trình truyền hình như vậy giúp người Hàn Quốc hiểu hơn về đồng bào ở phía bắc, nhưng một số người khác cho rằng chúng mang tính giật gân, phóng đại, lỗi thời và không đúng.
Theo Park, các chương trình truyền hình do người Hàn Quốc sản xuất và biên tập thường lồng ghép đồ họa, hình ảnh nền và hiệu ứng âm thanh không phù hợp, khiến người đào tẩu thất vọng và mong muốn kể lại câu chuyện theo cách riêng. Đó là lý do họ tìm đến mạng xã hội.
Nhiều người đào tẩu cảm thấy “người Hàn Quốc hiểu biết rất nông cạn về Triều Tiên hoặc có định kiến về người Triều Tiên”, Park nói. “YouTube hoàn toàn khác. Chỉ cần đặt camera trong căn hộ hoặc bất kỳ nơi nào cho phép quay video, người đào tẩu có thể trò chuyện trực tiếp với khán giả”.
Đối với nhiều YouTuber đến từ Triều Tiên, ngoài kiếm tiền để độc lập tài chính, họ còn có mục tiêu cao hơn là thu hẹp khoảng cách giữa hai miền. Trong những năm gần đây, quan hệ hai miền càng xấu đi do bất đồng về việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân và Hàn Quốc, Mỹ tập trận chung. Một số người cho rằng những căng thẳng này là lý do cần kết nối người dân ở Hàn Quốc và Triều Tiên.
“Tôi tin rằng để người khác biết về tình hình ở Triều Tiên thông qua YouTube sẽ giúp ích cho đồng hương của tôi”, Kang Eun-jung, 35 tuổi, người đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 2008 và tạo kênh YouTube cho bản thân năm 2019, nói.
Đối với cô, YouTube là cách “để nhắc bản thân ghi nhớ mình là ai, mình đến từ đâu”. “Nếu hai miền thống nhất, tôi muốn phỏng vấn nhiều người ở Triều Tiên”, Kang tâm sự.
Với Kang Na-ra, người bỏ lại nhiều bạn bè ở Triều Tiên và thậm chí từng cân nhắc quay lại, muốn thông qua YouTube để thu hút khán giả lứa tuổi trẻ hơn với hy vọng họ sẽ quan tâm đến việc thống nhất hai miền và quan tâm đến Triều Tiên.
Hồng Hạnh (Theo CNN)