[Mới nhất] Nhiều Facebooker bị tình nghi đăng sai sự thật về bà Nguyễn Phương Hằng

TP HCMCơ quan điều tra đã triệu tập hàng loạt chủ trang Fakebook, Youtube, đăng thông tin sai sự thật về vợ chồng bà Phương Hằng, song nhiều người không có mặt tại địa phương.

Thông tin được nêu trong kết luận điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất, đề nghị truy tố nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, 46 tuổi, và luật sư Trần Văn Sỹ về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hai bị can bị cáo buộc đã đăng tin sai sự thật, làm lộ bí mật đời tư, xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng; xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Ngoài ra, nhà chức trách xác định còn nhiều người sử dụng Facebook và Youtube đăng bài, đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật tương tự bà Hàn Ni, ông Sỹ nhằm mục đích câu “like” để tăng thu nhập. Quá trình điều tra, Công an TP HCM đã phối hợp nhiều quận và các tỉnh để xác minh, triệu tập ông Đàm Ngọc Tuyên, Trương Mỹ Phương, Đinh Lan, Phạm Việt Hoàng… nhằm làm rõ việc có phải những người này đã sử dụng các tài khoản Facebook cá nhân, Youtube để đăng tải các thông tin liên quan đến bà Hằng. Tuy nhiên, một số người không có mặt tại địa phương, đã xuất cảnh hoặc chưa làm việc được.

Công an TP HCM đang phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, thu thập thêm các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của những người này.





Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị bắt, tháng 3/2022. Ảnh: Công an TP HCM

Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị bắt, tháng 3/2022. Ảnh: Công an TP HCM

Trước khi bị bắt hồi tháng 3/2022, bà Hằng gửi đơn đến Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP HCM và nhiều cơ quan khác tố cáo nhà báo Hàn Ni và gần 30 người khác đã có hành vi “xúc phạm, vu khống” vợ chồng bà và tấn công quỹ Hằng Hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, Hàn Ni sử dụng tài khoản Youtube và Facebook “Nhà Báo Hàn Ni” để đăng bài, tổ chức nhiều buổi ghi hình phát trên mạng xã hội trong đó có 4 đoạn phát ngôn có nội dung sai sự thật, nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng.

Còn luật sư Trần Văn Sỹ sử dụng tài khoản Youtube “LS Trần Văn Sỹ” đăng 8 video có nội dung thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam. Các video này cũng bị xác định là mang nội dung bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà Nguyễn Phương Hằng

Trong khi đó, bà Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác tội phạm đến Bộ Công an, Công an TP HCM, Bình Dương, cho rằng bị bà Phương Hằng vu khống, làm nhục, xúc phạm trong các buổi livestream.

Bà Hàn Ni được xác định là một trong những bị hại vụ án bà Nguyễn Phương Hằng livestream xúc phạm người khác.

Hải Duyên


Viết một bình luận