Lượt xem ảo trên YouTube đang đánh lừa người mua, mang lại nhiều tiền cho người bán trong khi YouTube chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Martin Vassilev, 32 tuổi, hiện sinh sống tại Ottawa (Canada), kinh doanh lượt xem ảo cho các video YouTube. Riêng năm nay, anh đã bán được hơn 15 triệu lượt xem, kiếm được 200.000 USD.
Bản thân Vassilev không thể tự cung cấp lượt xem. Thay vào đó, anh tạo một website để kết nối với các dịch vụ cung cấp lượt xem video cũng như nhận hợp đồng. Nói cách khác, Vassilev chỉ đứng trung gian: nhận đơn đặt hàng, sau đó chuyển đến nhà cung cấp và ăn hoa hồng. “Tôi có thể cung cấp lượt xem không giới hạn. YouTube từng chặn, nhưng chúng tôi luôn có cách để lách luật”, Vassilev nói.
Vassilev chỉ mất khoảng 18 tháng để tự biến mình từ một người bình thường trở nên xa hoa và sống “sang chảnh”. Trong thời gian này, việc kinh doanh lượt xem ảo đã giúp anh tậu được một chiếc BMW 328i màu trắng và một căn nhà riêng. Còn hiện tại, anh đang kiếm được hơn 30.000 USD mỗi tháng. Website mua bán do anh điều hành đứng đầu kết quả tìm kiếm Google liên quan đến mua lượt xem. Mỗi ngày, anh cần xử lý khoảng 200 đến 300 đơn hàng, phần lớn trong số đó đến từ các công ty tiếp thị hoặc quan hệ công chúng. Với mỗi 1.000 lượt xem, anh tính 1 USD, sau đó bán lại với giá 13,99 USD kèm 100 lượt thích miễn phí.
Một nhà cung cấp lượt xem ảo khác, Carlton E. Bynum II, 24 tuổi, sống tại Houston (Mỹ) lại sử dụng quảng cáo để thu hút khách hàng. Trong năm nay, anh đạt doanh thu hơn 191.000 USD nhưng đã chi ngược tới 109.000 USD cho quảng cáo. Không chỉ bán lượt xem YouTube, người này còn kinh doanh cả lượt theo dõi trên Instagram, Twitter cũng như lượt thích Facebook và lượt nghe trên SoundCloud.
Không chỉ cá nhân, nhiều công ty cũng lập ra để kinh doanh lượt xem ảo. Một trong số đó là Devumi. Trong ba năm thành lập, doanh nghiệp này đã thu về hơn 1,2 triệu USD bằng cách bán 196 triệu lượt xem ảo.
Tất nhiên, phải có cầu mới có cung. Theo NYTimes, thực tế, nhu cầu mua lượt xem YouTube rất cao, trong đó có nghệ sĩ. “Lượt xem YouTube trở thành yếu tố để một số công ty như Nielsen hoặc các bảng xếp hạng uy tín như Billboard Hot 100 sử dụng. Do đó, một số tìm cách tăng chỉ số này lên”, một chuyên gia cho biết. “Bên cạnh đó, doanh nghiệp, các tổ chức cũng cần quảng cáo, do vậy những người bán lượt xem ảo vẫn sống khỏe”.
Tiến sĩ Judith Oppenheimer, 78 tuổi, đã trả cho Devumi 5.000 USD để quảng cáo đoạn video về cuốn sách cô vừa xuất bản trên YouTube. Chỉ chưa đến một ngày, video đã nhận 58.000 lượt xem, được phân phối qua Devumi. Để xác thực thông tin, phóng viên của NYTimes cũng đã thử đặt hàng lượt xem từ 9 công ty. Kết quả, gần như tất cả các đơn hàng đều hoàn thành trong khoảng hai tuần lễ.
Lượt xem ảo tất nhiên sẽ không có nhiều tác dụng. Bà Elizabeth Clayton, 77 tuổi, sống tại Mỹ, là một giáo sư về tâm lý học và tiếng Anh đã nghỉ hưu, trả cho Hancock Press – một công ty mua bán lượt xem – số tiền 8.400 USD để quảng bá hai video nói về tập thơ bà xuất bản. Phía Hancock Press đảm bảo số lượt xem mỗi video là 40.000, đồng thời đảm bảo cuốn sách sẽ bán chạy. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, cuốn sách không bán được, trong khi tiền thu được từ lượt xem chỉ vỏn vẹn 1,47 USD. “Họ nói với tôi, nếu tôi có một số lượng truy cập nhất định, tôi sẽ bán được sách và thu về một số tiền nhất định, nhưng điều đó đã không xảy ra”, bà Clayton nói.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu Pew, YouTube là website được nhiều người tìm kiếm nhiều thứ hai thế giới, chỉ thua Google và lớn hơn nhiều so với Facebook hay Instagram. Với hàng tỷ lượt xem mỗi ngày, mạng xã hội video này giúp lan truyền văn hóa toàn cầu, tạo ra nghề nghiệp, nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị.
Cũng giống các mạng xã hội truyền thông khác, việc lan truyền nội dung được đẩy lên bằng lượt xem ảo có thể khiến độ tin cậy của YouTube giảm sút. Nhiều chuyên gia lo ngại những hệ sinh thái giả mạo tạo ra bởi Vassilev hay Bynum II sẽ thao túng nhiều vấn đề, trong đó có lan truyền tin giả hoặc các thông tin tiêu cực – điều mà Facebook hay Twitter đang nỗ lực ngăn chặn. Bên cạnh đó, nó còn bóp chết sự sáng tạo của những người làm nội dung chân chính và đi lên từ lượt xem thực.
Việc mua bán và sử dụng lượt xem ảo tất nhiên là vi phạm chính sách cộng đồng của YouTube. Tuy vậy, có một thực tế là khi tìm kiếm các thông tin về website mua bán lượt xem ảo trên Google, vẫn hàng triệu kết quả hiện lên với tốc độ chỉ vài phần giây, thậm chí còn gợi ý các gói lượt xem để tiện tham khảo.
YouTube cũng có các cơ chế để ngăn chặn lượt xem ảo, như phát hiện lượng truy cập bất thường, dùng trí tuệ nhân tạo để chặn “bot” (phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng). “Đây là vấn đề xảy ra trong nhiều năm và chúng tôi đang tìm cách khắc phục. Hệ thống sẽ liên tục theo dõi YouTube và website mua bán trong cơ sở dữ liệu, sau đó ngăn chặn lập tức nếu có dấu hiệu bất thường”, Jennifer Flannery O’Connor, giám đốc quản lý sản phẩm của YouTube cho biết.
YouTube không tiết lộ chi tiết số lượt xem giả mạo bị chặn mỗi ngày, nhưng cho biết số lượng chiếm khoảng 1%. Theo thống kê của Google, nền tảng này có hàng tỷ lượt xem, do đó lượt xem ảo cũng chiếm đến hàng chục triệu.
O’Connor thừa nhận giữa YouTube và người bán lượt xem ảo đang xảy ra cuộc chiến. Mỗi khi bên này khắc phục được vấn đề, bên còn lại sẽ tìm ra cách mới để lách luật.
“Cách duy nhất để YouTube ngăn chặn là bỏ hoàn toàn hệ thống đếm lượt xem”, Vassilev nói.
Bảo Lâm