YemenEva zu Beck, Youtuber nổi tiếng người Ba Lan, lao xuống biển và bình tĩnh kiếm bữa sáng cho mình: tôm hùm Socotra.
5h30 trên đảo Socotra rộng hơn 3,6 km2 của Yemen, mặt trời vẫn chưa đi qua đỉnh đụn cát và vách núi đá. Tuy nhiên, Eva zu Beck, phóng viên du lịch người Ba Lan có hơn 1 triệu lượt theo dõi trên YouTube, đã ra khỏi lều và đến gần mép nước. Cô đeo ống thở và một miếng gỗ dài có móc bằng kim loại rồi lao xuống Ấn Độ Dương, bình tĩnh kiếm bữa sáng cho mình: tôm hùm Socotra.
Cuộc sống trên hòn đảo hẻo lánh cách Sừng châu Phi gần 100 km về phía đông đã dần trở nên quen thuộc với nữ du khách 29 tuổi này. Hàng ngày, cô câu cá mú trên đại dương và trèo lên những đụn cát cao bằng tòa nhà 10 tầng để “giết thời gian” và chờ đợi đại dịch được kiểm soát. Điều duy nhất khiến Eva không chắc chắn là cô chưa biết khi nào mình có thể rời đi.
Các khách sạn tiện nghi nhất của quần đảo Socotra nằm ở thành phố Hadibu. Do vậy, ngoài cắm trại, cô thuê phòng từ các gia đình chăn dê địa phương tại những ngôi làng nông thôn thưa thớt dân cư. Cô chỉ trở lại Hadibu để bắt wifi, gửi đồ giặt ủi và sạc các thiết bị của mình.
“Cuộc sống trên đảo rất chậm. Tôi dành cả ngày để đọc sách, viết bài hoặc đi bộ trên núi. Còn ở Hadibu ồn ào. Tôi thích cuộc sống ngoài tự nhiên, khu vực nông thôn. Nơi đây có những con người tốt bụng đã chào đón tôi đến nhà họ”, cô viết. Cũng chính sự hiếu khách này đã giúp cô giảm bớt chi phí khi sống ở Socotra, nơi nổi tiếng tốn kém để du lịch do nằm ở xa xôi, thiếu cơ sở hạ tầng du lịch.
Ở Socotra có một quy tắc hiếu khách, gọi là Karam. Du khách khi đến đây được chào đón vô điều kiện, và chủ nhà thường miễn cưỡng khi nhận tiền cho thuê nhà từ khách. Chủ nhà nơi cô đang ở nhận mỗi tháng 150-200 USD cho chi phí ăn, ở của cô.
Do nằm ở vị trí xa xôi, nên Zu Beck cho biết cô không nghe về bất kỳ trường hợp nhiễm nCoV nào ở đây. Hòn đảo là một trong số ít những nơi trên trái đất vẫn có cuộc sống diễn ra như bình thường trong dịch bệnh. Tuy nhiên, sự tự do đi lại đó giảm dần. Trong bài đăng vào 19/5, cô viết: “Trước đây tôi cảm thấy an toàn khi du lịch đến những nơi khác nhau trên đảo. Nhưng trong 3 tuần qua, tôi dành phần lớn thời gian ở lại nhà của một gia đình người dân trong làng. Và tôi vẫn tiếp tục làm điều này”.
Xem thêm: 16 nước cuối cùng Covid-19 chưa lan tới
Nơi Zu Beck đang sinh sống được biết đến với hệ sinh thái độc đáo, được kết nối với Cairo bằng một chuyến bay thương mại hàng tuần. Cô đến đây từ ngày 11/3, cùng 40 khách du lịch quốc tế khác để tham gia giải chạy. Cô dự định ở lại trong hai tuần.
Tuy nhiên, thế giới sau đó đã nhanh chóng ngừng dịch chuyển vì tác động của Covid-19. Ngày 15/3, khi các du khách hoàn thành xong giải chạy, giới chức địa phương tuyên bố hòn đảo sẽ đóng cửa, và mọi người nên trở về nhà càng sớm càng tốt. Khi thức dậy vào lúc nửa đêm trong lều, Eva phải đối mặt với một quyết định khó khăn: rời đảo và có nguy cơ nhiễm nCoV trong hành trình 5.000 km trở về nhà hay chấp nhận khả năng mắc kẹt ở thiên đường một thời gian?
Nữ du khách từng đến đảo và có niềm yêu thích với nơi đây. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, cô cùng 4 du khách khác quyết định ở lại. Những người còn lại, gồm cả bạn trai người Canada của cô, đã trở lại Cairo trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Socotra. Cô cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống ở đây khi biết rằng sẽ không thể xác định được ngày rời đi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quyết định của nữ du khách trẻ, khi quyết định tới một hòn đảo xa xôi và có khả năng bị bệnh khi đại dịch xảy ra. Kể từ khi câu chuyện của cô được đăng tải vào ngày 19/5, cô đã phải nghe nhiều lời chỉ trích. Nhiều người nói rằng cô nên có trách nhiệm với hòn đảo vì sự hiện diện của cô đang gây nguy hiểm cho cộng đồng địa phương. Đáp trả lại, Zu Beck gửi lời xin lỗi và khẳng định cô không hề khuyến khích mọi người tới những nơi xa xôi trong đại dịch. Và những bài đăng của cô chỉ có mục đích chia sẻ vẻ đẹp nơi cô đang ở, một nơi được ít người biết đến và cần bảo vệ, với thế giới.
Anh Minh (Theo CNN)