[Mới] Italy phạt TikTok gần 11 triệu USD vì nội dung độc hại

Chính phủ Italy xử phạt TikTok gần 11 triệu USD vì ứng dụng của công ty này không có biện pháp bảo vệ đầy đủ cho người vị thành niên.

“Công ty đã không áp dụng những cơ chế phù hợp để giám sát nội dung được đăng tải trên nền tảng, đặc biệt là những nội dung có thể đe dọa người vị thành niên và những cá nhân dễ bị tác động”, AGCM, cơ quan quản lý cạnh tranh của Italy, ngày 14/3 thông báo.

Giới chức Italy nhận định những nội dung gây hại với người vị thành niên trên TikTok “được gợi ý lặp lại một cách có hệ thống, thông qua thuật toán đánh giá hồ sơ người dùng, tăng kích thích sử dụng mạng xã hội ở mức chưa từng thấy”.

Tổng mức phạt gần 11 triệu USD được áp dụng với ba công ty thuộc tập đoàn Bytedance của Trung Quốc, gồm Công nghệ TikTok Ireland, Công nghệ Thông tin TikTok Anh và TikTok Italy.

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại ở thành phố New York, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: AFP

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại ở thành phố New York, Mỹ ngày 13/3. Ảnh: AFP

Cơ quan giám sát Italy cho rằng TitTok đã không tuân thủ các quy định mà chính ứng dụng này quảng bá về không gian “an toàn” cho người dùng.

Các biện pháp kiểm duyệt trên ứng dụng “đã không đánh giá đúng mực đối với người vị thành niên dễ bị tác động” và có khả năng ảnh hưởng “tiềm thức” người dùng, khiến người dùng “gặp khó khăn trong phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng, dẫn đến xu hướng hành động theo đám đông”.

Giới chức Italy còn phát hiện những nội dung “tiềm năng nguy hiểm” được cổ súy bởi chính hệ thống gợi ý của TikTok.

Một trong những ví dụ được AGCM đưa ra là “thách thức sẹo Pháp” trên TikTok, cổ súy trẻ em tự véo mạnh vào gò má đến mức bầm tím. Trào lưu này đã gây quan ngại nghiêm trọng trong giới hoạt động giáo dục và y tế ở châu Âu.

TikTok thường xuyên bị cáo buộc truyền bá thông tin sai lệch, khiến người dùng gặp nguy hiểm với các video “thử thách” nguy hiểm. Một số trẻ em được cho là đã tử vong khi thực hiện thử thách nín thở đến bất tỉnh trên TikTok. Italy mở điều tra TikTok vì không thực thi quy định về gỡ bỏ “nội dung nguy hiểm” liên quan hành vi tự làm hại bản thân hồi tháng 3/2023.

Trong thời gian qua, giới chức phương Tây đang áp dụng chính sách ngày càng cứng rắn hơn với TikTok, thuộc sở hữu công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị chính quyền Trung Quốc truy cập hoặc sử dụng. Mỹ, Canada, Bỉ, Anh, New Zealand và Ủy ban châu Âu đã cấm ứng dụng này trên thiết bị làm việc. Quan chức Hà Lan và nhân viên chính phủ ở Na Uy cũng được khuyến nghị không cài đặt TikTok.

Hạ viện Mỹ ngày 13/3 thông qua dự luật buộc TikTok cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, nếu không sẽ bị cấm tại nước này. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét.

Thanh Danh (Theo AFP)


Viết một bình luận