Chuyện vô lý như vậy mà sao nhiều người vẫn tin theo, lan truyền khắp nơi trên Facebook, TikTok, rồi khi bị bóc mẽ lại bảo ‘không biết, không rõ’.
“Hành vi tung tin giả mùa bão lũ rất táng tận lương tâm. Không hiểu những kẻ này suy nghĩ gì khi mà đồng bào mình đang sống trong cảnh khó khăn, mất mát, bản thân đã không giúp đỡ được gì thì thôi đi, lại còn đi lừa đảo người khác. Riêng những người chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, tôi cho rằng họ thiếu kiến thức căn bản, không nhìn nhận được nội dung đúng hay sai mà cứ vô tình tiếp tay cho kẻ lừa đảo.
Tôi rất bức xúc khi vùng lũ ngập lụt, điện mất, thiệt hại trụ thu phát sóng viễn thông, đến sóng điện thoại có nơi còn không có thì đào đâu ra mà chuyện ‘nhắn tin theo cú pháp để có mạng Internet’? Chuyện vô lý như vậy mà nhiều người vẫn lan truyền khắp nơi rồi bảo ‘không biết, không rõ’.
Một kiến thức cơ bản là đến cả các vệ tinh của tỷ phú Elon Musk hiện cũng chỉ cung cấp toàn cầu dịch vụ liên lạc khẩn cấp mà thôi, cung cấp Internet chỉ một vài quốc gia có thí điểm như Mỹ, EU hoặc hỗ trợ tạm thời Ukraine. Vậy thì ở đâu ra mà có internet để nhắn cú pháp?
Đó là chia sẻ của độc giả Anhtuan trước tình trạng tin giả hoành hành trong bão lũ. Sau khi bão Yagi vào Việt Nam, hàng loạt tin giả lan truyền trên mạng xã hội nhằm gây hoang mang, “câu tương tác”, thậm chí lừa chuyển tiền vào tài khoản mạo danh. Một số nội dung không đúng sự thật được chia sẻ liên tục thời gian qua như: “Hà Nội cắt điện toàn thành phố”, “Soạn tin nhắn theo cú pháp để sử dụng Internet miễn phí”, “Vỡ đê ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng”, “Cẩm Phả vớt 16 xác người buộc dây vào nhau”… gây hoang mang dư luận.
Cùng chung nỗi bức xúc vì nạn tin giả hoành hành, bạn đọc Hoa Vu bình luận: “Tôi rất khó chịu vì mấy ngày nay hôm nào cũng có tin vỡ đê ở Hải Phòng được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, khiến mọi người cứ tranh nhau đi mua thùng nước, mua lương thực về dự trữ. Tất nhiên, có sự chuẩn bị trước là tốt, nhưng mà cách chúng ta chia sẻ tin giả khiến nhiều người rất hoang mang. Trong khi thực tế, hôm nay siêu thị lại đầy ắp mì gói, bánh mì… đấy thôi”.
>> Tung tin giả nữ công nhân lây HIV cho nhiều người nhưng chỉ bị phạt hành chính
Nói về giải pháp ngăn chặn phát tán tin giả trên các nền tảng mạng xã hội, độc giả Minh pham nhận định: “Vấn đề định danh tài khoản mạng xã hội cần phải được các cơ quan quản lý quan tâm hơn. Mỗi người cần phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra, và lan truyền. Ai sai thì cứ gõ đầu mà phạt nặng chứ không phải mạng ảo thì thích nói gì là nói”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Dunghuynhsy nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi luật, phải mạnh tay với các cá nhân, tổ chức lừa đảo trên mạng xã hội để ổn định trật tự, ổn định đời sống nhân dân. Không thể nương tay cho những kẻ lợi dụng thiên tai, bão lũ để lừa đảo khi hoàn cảnh người dân đang trong cơn cùng cực. Cần phải có hình thức xử lý thật thích đáng để làm gương. Đã không giúp đỡ mà còn lợi dụng trên sự đau khổ của nhiều người dân khổ thì tội càng phải tăng nặng. Chỉ có áp dụng hình phạt tối đa thì mới giảm được những người mất nhân tính như thế”.
Việt Thành tổng hợp
- Tin giả tràn lan, Facebook vô can?
- ‘Thoát pressing’ khi bị hai người bạn Facebook dụ vào bẫy lừa làm việc online
- Quảng cáo lừa đảo nhan nhản – ‘Facebook không vô can’
- Xóa sổ Facebook
- ‘Cấm dùng Facebook, YouTube, TikTok khiến con lạc hậu’
- ‘TikTok vô bổ’