Hơn 70% người dùng tại châu Âu cho biết họ thường lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình dựa trên các đề xuất của TikTok.
Nền tảng có hơn một tỷ người dùng mỗi tháng TikTok hiện trở thành nguồn thông tin quan trọng cho trải nghiệm khám phá thế giới. Không chỉ làm nổi bật các điểm đến ít người biết, ứng dụng còn chia sẻ các mẹo từ đóng gói hành lý đến lựa chọn phương tiện di chuyển.
Tuy nhiên, nền tảng cũng gây tranh cãi khi các nhà sáng tạo nội dung khiến những điểm đến “bí mật” trở nên quá tải và đôi khi quảng bá các hoạt động không phù hợp. Dưới đây là những điều khách cần biết nền tảng này đang ảnh hưởng đến hoạt động du lịch như thế nào.
Ứng dụng ra mắt năm 2016 ghi nhận sự tăng trưởng 410% về lượt xem nội dung du lịch kể từ năm 2021, nhờ định dạng video ngắn và dễ chia sẻ, với 70% người dùng độ tuổi dưới 34.
Nhà sáng tạo nội dung trên TikTok Emma Cooke cho biết nếu một bức ảnh trị giá 1.000 từ, một video trị giá bằng 10.000 từ. “Rất khó để chỉnh sửa video như cách bạn có thể làm với một bức ảnh”, cô chia sẻ.
Hơn 70% người dùng TikTok tại châu Âu cho biết họ thường lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình dựa trên đề xuất từ nền tảng này. Nghiên cứu từ Adobe chỉ ra hơn 60% người Mỹ thuộc thế hệ Z sử dụng ứng dụng như một công cụ tìm kiếm. Ví dụ, với từ khóa “top những việc nên làm ở Paris”, người dùng sẽ nhận được hàng loạt video được sắp xếp theo mức độ phổ biến. Thuật toán sẽ điều chỉnh đề xuất khi người dùng tiếp tục lướt, đồng thời sử dụng định vị để cung cấp nội dung phù hợp với điểm đến khi họ di chuyển.
Gen Mohacsy, thư ký y khoa 25 tuổi sống tại Anh, thường dùng ứng dụng video để lên kế hoạch cho các chuyến du lịch và cho rằng cách này hiệu quả hơn Tripadvisor. “Xem video có thể cung cấp cái nhìn chi tiết về một địa điểm. Đó là cách tôi tìm ra các chợ đêm ở Auckland khi đang đi du lịch New Zealand”, Gen cho biết.
Nhiều xu hướng du lịch đã xuất hiện trong năm nay trên TikTok. Có thể kể đến như “airport tray aesthetic”, trào lưu đăng tải hình ảnh đồ du lịch được sắp xếp một cách khéo léo trong các khay kiểm tra an ninh sân bay; “raw-dogging”, ngồi im lặng không làm gì trên máy bay để tâm trí tự do chìm đắm trong suy nghĩ hay “travel dupes”, thay thế các điểm du lịch nổi tiếng bằng những địa điểm rẻ hơn và ít đông đúc.
TikTok thu hút nhiều nhà sáng tạo nội dung cung cấp những thông tin hữu ích đến với khách du lịch. Nhưng họ cũng có thể gây hại, đôi khi quảng bá những điểm đến không đủ cơ sở vật chất đến hàng nghìn du khách.
Nhiều điểm đến đã trở thành nạn nhân của chính các nhà sáng tạo nội dung. Khi video về núi Jianfengling và hồ chứa Daguang Dam ở Trung Quốc lan truyền năm 2021, khu vực này nhanh chóng thu hút đông đảo du khách chỉ sau một đêm. Khách du lịch giúp cải thiện tình hình kinh tế, nhưng họ cũng gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, theo JORT, tạp chí chuyên ngành về du lịch.
Một số doanh nghiệp đã phản ứng khi nhận thấy TikTok gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ. Dae, quán cà phê ở New York, không cho phép quay video quán từ năm ngoái vì những video TikTok trở nên khó kiểm soát đối với họ.
Ngoài ra, vấn đề du lịch phi đạo đức cũng lan truyền nhiều hơn. Natara Loose, bác sĩ thú y người Mỹ, đến Mauritius năm nay, cho biết đã sốc trước số lượng tour bơi cùng cá heo được bán. Đây là hoạt động bị cấm tại Mauritius nhưng được lan truyền rộng rãi trên TikTok. Sự quan tâm của du khách với du lịch bền vững cũng nhiều hơn, các bài đăng có gắn thẻ #SustainableTravel thu hút 78,1 triệu lượt xem.
Dù tốt hay xấu, TikTok đang có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành du lịch, đặc biệt với thế hệ trẻ, và điều này không thể thay đổi trong tương lai gần.
Hà Phương (Theo NatGeo)