[Mới] Phát quà từ thiện để quay TikTok ‘làm màu’

Tôi chứng kiến nhóm bạn trẻ đi phát quà từ thiện, điện thoại dừng quay video là thả phắt em bé xuống đất, hoặc lấy lại quà.

Thời đại Internet bùng nổ, những hình ảnh cùng cách thức từ thiện cũng lan rộng ở thế giới phẳng. Càng ngày, rộ lên càng nhiều những bạn trẻ quay lại những video đi phát quà bánh cho người khó khăn. Hoặc đơn giản là quay lại một hoàn cảnh nào đó cần giúp đỡ để cộng đồng mạng chung tay góp sức.

Không thể phủ nhận sức mạnh của thời kỳ 4.0, khi nó liên kết được người giúp và người cần giúp, trong một phạm vi mở rộng. Thu hút nhiều lượt xem và bình luận, các video thiện nguyện đã truyền đến năng lượng tích cực.

Trong chuỗi ngày mưu sinh mệt nhoài, không ít người chợt thấy mình đâu đó trong những video đấy. Họ bắt đầu học cách sống chậm lại và yêu thương cuộc đời nhiều hơn. Những video làm từ thiện dần trở thành một phương tiện giáo dục con người, truyền tải thông điệp nhân ái.

Mang ý nghĩa quan trọng là vậy, ấy thế nhưng đâu đó vẫn còn những video làm từ thiện gây tranh cãi, khiến ý nghĩa tích cực của từ thiện chợt trở nên… xấu xí.

Hôm trước, trong một lần đi thiện nguyện, tôi có gặp một nhóm bạn trẻ cũng đến phát quà cho mái ấm tình thương. Nơi này đang cưu mang gần hai trăm trẻ cơ nhỡ, mồ côi. Việc sẽ chẳng có gì nếu như các bạn ấy không bắt các em nhỏ đứng chờ ở ngoài sân rất lâu, chỉ để các bạn quay đi quay lại một thước phim thật đẹp để làm TikTok kênh cá nhân.

Nhìn các bạn phát quà, rồi lấy lại quà, rồi lại phát, chỉ để quay những đoạn video nét nhất, tự nhiên cảm thấy rất phản cảm. Có bạn, khi quay phim thì ôm một bé mới 2-3 tuổi trên tay, vừa tắt máy là thả ngay bé xuống. Không hiểu sao, tim tôi cứ nghẹn lại. Vừa thấy thương cho các bé, vừa có phần tức giận với cách ứng xử của các bạn ấy.

Là người ngoài, tôi không rõ cụ thể công việc của các bạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm điều gì cũng đều cần đặt cái tâm vào đó. Các bạn muốn có những thước phim đẹp cho công việc là không sai. Nhưng nó sai ở chỗ các bạn lợi dụng hình ảnh, tình thương, cũng như chiếm dụng thời gian của các em trong mái ấm. Nếu vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng quyền lợi người khác, đó là điều không nên.

Bất giác, tôi lại chợt nhớ tới những hình ảnh của năm 2021, khi người xếp hàng chờ phát gạo ở ATM bị đuổi đi vì ăn mặc tươm tất sạch sẽ; người chờ nhận hộp cơm từ thiện mùa dịch bị miệt thị không cho lãnh chỉ vì lỡ sơn móng tay. Một bữa cơm, một túi gạo,..có giá trị không nhiều, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với những người đang sa cơ khốn khó. Sẽ chẳng ai muốn ngửa tay xin người khác, nếu không phải họ đang rất cần, bởi thời đại bây giờ có nhiều thứ mà họ cực kì coi trọng, chẳng hạn như lòng tự tôn.

Tấm lòng nhân ái là đáng quý, thế nhưng cách để truyền đạt nó tới người cần còn quan trọng hơn thứ vật chất bên ngoài. Trong xã hội này, chẳng ai có quyền đứng trên người khác, vì mỗi cá nhân đều bình đẳng. Từ thiện có thể là hiến tặng vật chất, có thể là năng lực hoặc trí tuệ, tinh thần…

Ai cũng đủ “giàu có” để cho đi điều gì đấy. Cho đi cũng là nhận lại. Và hãy thấy may mắn khi mình còn có cơ hội để cho đi, cũng như có người chịu “nhận” cái mình cho đi, đặc biệt là có thể tạo nhân lành cho cuộc sống xô bồ ngoài kia thêm phần tươi đẹp. Bởi nào ai biết được, trong khúc quanh nào đó ở tương lai, mình có phải là người “được nhận” “của cho” từ một ai khác.

Làm từ thiện cũng phải cần văn hóa: văn hóa từ thiện. Bởi lẽ hoạt động từ thiện tự thân nó đã là một hành vi văn hóa và nhân đạo. Của cho không bằng cách cho. Văn hóa cho và nhận đều cần phải học trong bài giảng “trưởng thành” của một người có đạo đức. Cái gì cũng cần học, bởi tử tế là một sự lựa chọn.

Ngày nhỏ, ba thỉnh thoảng lại bảo tôi sang nhà bà Năm hàng xóm để xin quả ớt, hoặc muỗng đường. Nhà tôi không thiếu chút đỉnh đó, nhưng ba làm thế để bà Năm không thấy ngại mỗi lần sang “vay” gạo nhà tôi; để bà Năm biết rằng bà không phải đang chịu ơn nhà tôi, mà chỉ đơn giản là hàng xóm giúp đỡ qua lại. Câu chuyện đó làm tôi nhớ mãi và hình thành trong đầu tư duy về văn hóa “cho-nhận” trong cách ứng xử với mọi người.

Trúc Nguyễn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.


Viết một bình luận