Các nghị sĩ Mỹ nói ông Biden vận động tranh cử trên TikTok gây lo ngại, trong bối cảnh Washington cho rằng ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm cách làm theo Ấn Độ, quốc gia đã cấm TikTok”, nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói ngày 12/2. “Tôi có chút lo ngại về một thông điệp trái chiều”.
Ông Warner bình luận sau khi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden thông báo ông chủ Nhà Trắng đã tham gia mạng xã hội TikTok ngày 11/2 nhằm thu hút ủng hộ từ cử tri trẻ. Tài khoản của ông Biden hiện có hơn 65.000 lượt theo dõi.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng chỉ trích quyết định của ông Biden với lý do lo ngại về dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia liên quan TikTok cùng công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton gọi TikTok là “ứng dụng gián điệp”, được dùng để “tuyên truyền nhắm đến người trẻ Mỹ và đánh cắp dữ liệu”. “Thật xấu hổ khi Tổng thống Biden lại đón nhận TikTok để bù đắp cho kết quả khảo sát tệ do sự sa sút tinh thần của ông ấy”, ông Cotton viết trên X.
Thượng nghị sĩ bang Iowa Joni Ernst nhắc đến đạo luật mà Tổng thống Biden ký ban hành hồi tháng 12/2022 để công kích ông chủ Nhà Trắng. “TikTok bị cấm trên toàn bộ thiết bị chính phủ Mỹ vì là mối đe dọa an ninh quốc gia”, ông Ernst cho biết. “Nhưng điều đó không thể ngăn chiến dịch của ông Biden sử dụng ứng dụng tuyên truyền của Trung Quốc”.
Nhà Trắng ngày 12/2 lưu ý lệnh cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ vẫn có hiệu lực. “Không có thay đổi nào về những lo ngại an ninh quốc gia liên quan sử dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói. “Chính sách đó vẫn được duy trì”.
TikTok chưa bình luận về các thông tin.
Chính phủ Mỹ những năm gần đây chỉ trích TikTok, cáo buộc đây là nền tảng phục vụ lợi ích của Trung Quốc, dù TikTok kiên quyết bác bỏ. Sau khi cấm vận xuất khẩu một số công nghệ cho Trung Quốc và thông qua luật cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, các nhà lập pháp Mỹ muốn theo đuổi lệnh cấm ứng dụng trên quy mô toàn quốc.
Quốc hội Mỹ thúc giục Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS), do Bộ Tài chính nước này dẫn dắt, nhanh chóng đưa ra kết luận về ứng dụng. CFIUS tháng 3/2023 yêu cầu ByteDance bán TikTok cho một công ty mà họ có thể tin tưởng hoặc đối mặt lệnh cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, Washington hiện vẫn chưa có động thái nào liên quan. TikTok đã trở nên lớn mạnh, với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ theo số liệu công bố tháng 1, và có giá trị cao hơn, khiến giới quan sát không tin rằng thương vụ này có thể xảy ra.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 12/2 nói CFIUS vẫn đang đánh giá TikTok và lưu ý rằng Nhà Trắng từng ủng hộ các dự luật do ông Warner và các nghị sĩ khác đệ trình nhằm giúp Washington thêm công cụ để giải quyết mối đe dọa từ các ứng dụng nước ngoài.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)