Chị Hải Anh nói dù có giàu trí tưởng tượng cũng không ngờ có ngày sạp cá ở chợ Trại Bò của mình lại ăn nên làm ra như vậy nhờ những buổi livestream “cho đỡ buồn”.
Đến bây giờ, sau ba năm livestream, chị Cao Hải Anh vẫn không lý giải được vì sao ngày nào cũng có từ 2.000 đến 3.000 người xem mình đánh vảy, mổ cá, lột tôm. Bà chủ 36 tuổi của sạp hải sản tươi trong chợ Trại Bò, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều thời điểm lượng người theo dõi lên đến hơn 20.000 “mắt”.
“Họ không xem một lúc mà theo dõi liên tục buổi bán hàng 8-9 tiếng của tôi”, Hải Anh nói.
Vợ chồng chị bắt đầu bán hàng tại chợ từ năm 2014. Thi thoảng trong những buổi vắng khách, chị Hải Anh bật điện thoại livestream nói chuyện với người lạ cho đỡ buồn.
Một thời gian sau chị nhận ra doanh số bán hàng cải thiện. Số khách lạ tìm đến sạp cá của chị tăng lên. Nhiều lần phải chuyển địa điểm khách lại nhắn tin hỏi chỗ mới để đến mua.
Không chỉ tăng lượng khách ở chợ, người xem livestream của Hải Anh thấy hải sản tươi sống, chất lượng mà giá vừa phải nên đặt hàng online. Đến nay, số đơn hàng bán online chiếm 50%. Trung bình mỗi ngày vợ chồng chị bán được khoảng 100 kg hàng hóa các loại, gấp 2-2,5 lần trước kia. Trang cá nhân nữ tiểu thương hiện có hơn 297.000 người theo dõi và 6,1 triệu lượt thích.
Trang cá nhân 295.000 người theo dõi, 63,7 triệu lượt thích của anh chủ quán chuối chiên Lê Quốc Trường khiến nhiều người ao ước.
“Tất cả nhờ hai phiên livestream mỗi ngày, chỉ quay cảnh chiên chuối. Sau ba năm tôi có được kết quả này”, anh Trường nói.
Giống như chị Hải Anh, anh Trường không định livestream để bán hàng. Tất cả bắt đầu từ một ngày trông quán thay vợ trên đường Trương Công Định, phường 2, TP Sóc Trăng, người đàn ông 33 tuổi buộc chiếc điện thoại vào cột điện để phát trực tiếp, giới thiệu quy trình chiên bánh và nói chuyện cho đỡ buồn.
“Không ngờ người ta xem rất đông nên những hôm sau tôi livestream tiếp”, anh Trường kể. Đến nay, lịch hoạt động của anh đã cố định hai phiên mỗi ngày, mỗi phiên kéo dài 3-5 tiếng, thu hút trung bình 1,5 triệu lượt xem.
Trước khi livestream, mỗi ngày sạp bánh chuối của anh bán gần trăm chiếc, chủ yếu phục vụ dân quanh vùng. Nhưng khi nổi tiếng trên mạng, doanh số của anh đều đặn ở mức 300 chiếc. Nhiều hôm phục vụ không xuể, anh phải hẹn khách sang hôm sau.
Không dừng ở bán bánh, anh Trường mở giỏ hàng bán bột chiên bánh phục vụ khách ở xa. Ban đầu chỉ vài khách mua nhưng nay mỗi ngày vợ chồng anh bán 100 kg bột, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể.
Chị Hải Anh, anh Quốc Trường là hai trong số nhiều tiểu thương bất ngờ phất lên nhờ livestream, chia sẻ về công việc hàng ngày trên mạng xã hội. Khác với những người bán hàng chuyên nghiệp (KOL, KOC) hầu hết những tiểu thương đến với hình thức kinh doanh này một cách tình cờ mà không biết mình đã tham gia vào trào lưu shoppertaiment – mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí.
Thuật ngữ “shoppertaiment” kết hợp từ shopper (người mua sắm) và entertainment (sự giải trí) xuất hiện lần đầu năm 1993 nhưng chỉ được biết đến rộng rãi từ năm 2016 khi Lazada phát triển hình thức bán hàng livestream tương tác.
Báo cáo của Accenture và TikTok năm 2024 cho rằng shoppertainment góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử. Chỉ riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giá trị thị trường này dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Khảo sát của VnExpress ghi nhận trên các nền tảng mạng xã hội có hàng trăm tài khoản là tiểu thương, ngành nghề khá đa dạng từ người buôn bán tại các chợ dân sinh, chủ các trang trại gà, thậm chí cả những người làm nghề câu lươn đêm ngoài đồng.
Những tài khoản này đa phần không bán trực tiếp mà chỉ chia sẻ công việc hàng ngày của mình. Khách ở gần có thể qua địa điểm bán để trải nghiệm sản phẩm hoặc gọi điện thoại cho người bán để đặt hàng.
Bà Vũ Diệu Thúy, giảng viên đào tạo livestream, CEO của Kolin Academy, cho biết tính chân thực và nhu cầu kết nối cộng đồng là những lý do chính khiến những phiên phát trực tiếp tưởng bình thường lại thu hút lượng lớn người xem.
Theo CEO này, khán giả ngày càng mệt mỏi với nội dung dàn dựng hoàn hảo và những buổi livestream bán hàng “tung deal, đạp giá”. Do đó, livestream thực tế cho thấy cuộc sống đời thường không chỉnh sửa, có yếu tố gần gũi, gây tò mò thích thú với người xem. Trong thời đại số hóa, nhiều người tìm kiếm cảm giác được tham gia vào một cộng đồng, học nhiều kiến thức thực tế (cách chọn hàng, kỹ thuật chế biến) tự nhiên không giáo điều qua tương tác trực tuyến với người bán. Đôi khi, sự đơn giản và những tình huống hài hước, đối thoại tự nhiên tạo nên sự thú vị cho phiên livestream của các tiểu thương.
“Những yếu tố này kết hợp tạo nên sức hút đặc biệt cho các buổi livestream thực tế, khiến chúng trở thành xu hướng nội dung được ưa chuộng trên các nền tảng mạng xã hội”, bà Thúy nói.
PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhận định việc livestream chia sẻ cuộc sống thường nhật của các tiểu thương là cách quảng cáo rất hiệu quả.
“Biến công việc bình thường trở thành hoạt động nghệ thuật, lồng ghép thương hiệu cá nhân qua những câu chuyện là cách thông minh để thúc đẩy công việc kinh doanh”, ông Cương nói.
Tuy vậy, CEO Vũ Diệu Thúy cho rằng các tiểu thương nên có chiến lược phát triển bài bản, hiểu rõ thuật toán, cách thức xây dựng phễu sản phẩm phù hợp với nguồn lực để đảm bảo tính bền vững, khả năng cạnh tranh. Các chủ kênh cũng phải lưu ý những rủi ro hàng hóa bị hoàn hủy.
Không chỉ đều đặn livestream, nhiều tiểu thương đã tự trau dồi kiến thức để thu hút thêm người xem, mở rộng tệp khách hàng. Chị Kim Chi, chủ quầy vịt quay ở quận Bình Tân, TP HCM là ví dụ.
Nhờ tài ăn nói duyên dáng, thành tạo tiếng Anh, tiếng Trung các phiên livestream của Kim Chi thu hút đông người nước ngoài theo dõi. Không ít người đang sống hoặc đi du lịch qua TP HCM đã tìm tới tiệm ăn thử vì tò mò.
Người phụ nữ 37 tuổi quê Bến Tre lên TP HCM bán thịt quay được 12 năm. Trước đây, quán chỉ có khách quen, nhưng từ khi biết livestream, tiệm của chị trở nên rất đông khách. Lượng hàng bán ra tăng gần 50%.
“Sự nổi tiếng cũng khiến tôi phải khắt khe hơn trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhờ mạng xã hội đã giúp những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi tăng thu nhập”, chị Chi nói.
Nga Thanh – Quỳnh Nguyễn