YouTube đã xóa một số bình luận bằng tiếng Trung mang hàm ý “nói xấu” Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mạng video này cho rằng chỉ là lỗi hệ thống.
Theo Cnet, người dùng YouTube khi đăng một số cụm từ bằng tiếng Trung với nội dung “lăng mạ” Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị xóa sau khoảng 15 – 30 giây mà không rõ lý do. Trong khi đó, phiên âm sang chữ Latin của chúng vẫn được giữ lại.
YouTube thừa nhận vấn đề. “Sau khi xem xét, chúng tôi xác nhận đây là một lỗi xảy ra trong hệ thống. Hiện đội ngũ nhân viên đang cố gắng khắc phục nhanh nhất có thể”, đại diện YouTube cho biết.
Theo The Verge, việc xóa các cụm từ chứa nội dung “nhạy cảm” liên quan đến Trung Quốc đã được YouTube thêm vào bộ lọc nhận xét của mình từ lâu. Trang này cho biết, có bằng chứng cho thấy những bình luận đầu tiên đã bị xóa từ tháng 10/2019 thay vì gần đây và được một số người dùng báo cáo trên trang hỗ trợ của YouTube.
Việc YouTube “bênh” chính quyền Trung Quốc vấp phải một số chỉ trích. “Điều này thật đáng lo ngại. Tại sao Google/YouTube lại kiểm duyệt thay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc? Bộ Tư pháp Mỹ cần điều tra”, Thượng nghị sĩ Ted Cruz viết trên Twitter.
Business Insider cho rằng động thái của YouTube khá khó hiểu, nhất là khi nền tảng video này lẫn các dịch vụ Google khác đang bị cấm tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Công ty cũng nhiều lần nỗ lực xâm nhập thị trường này nhưng thất bại.
Trong quá khứ, Google thường xuyên bị chỉ trích vì đáp ứng mong muốn của chính quyền Trung Quốc để được hoạt động thông qua kiểm duyệt nội dung. Vào 2010, hãng tìm kiếm đã rút khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới, sau khi đồng sáng lập Serge Brin chỉ trích chính sách “toàn trị” của nước này, trong đó bao gồm kiểm duyệt web.
Tuy vậy, thời gian sau đó, Google được cho là nhiều lần muốn quay lại Trung Quốc. Năm 2018, một rò rỉ cho thấy công ty Mỹ đã tạo ra một công cụ tìm kiếm nguyên mẫu gọi là “Project Dragonfly” để tuân thủ yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc, theo The Intercept. Dự án chưa bao giờ được triển khai, nhưng nó đã nhận một loạt chỉ trích, cũng như khiến Google bị điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vào tháng 6/2019.
Bảo Lâm