[Mới nhất] Thôn dân mơ đổi đời nhờ YouTube

Ấn ĐộMột nam thanh niên đội mũ lưỡi trai đen, mặc áo phông hồng, ngồi trên chiếc xe bò đang di chuyển để đọc rap trước máy quay.

Giữa con đường đầy bụi ở làng Tulsi, bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ, video hip hop của chàng thanh niên là một trong những sản phẩm lấy cảm hứng từ Bollywood được tạo ra cho kênh YouTube của làng. Kênh có gần 120.000 người đăng ký và đã tải lên hơn 200 video.

Thôn dân mơ đổi đời nhờ YouTube

Người dân làng Tulsi quay video cho kênh Youtube. Video: Reuters.

Gyanendra Shukla và Jai Verma sáng lập kênh “Người Chhattisgarh” năm 2018 khi dịch vụ Internet dành cho thiết bị di động ở Ấn Độ bắt đầu rẻ hơn. Hai người đã bỏ việc để tập trung phát triển kênh.

Người trong làng cũng tích cực tham gia sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19 khiến nhiều người không thể ra ngoài làm việc. Hiện 1/3 trong số họ tham gia sáng tạo nội dung cho kênh YouTube, từ diễn xuất tới hậu kỳ.

“Ban đầu, chúng tôi không biết nên dựng video kiểu gì, làm thế nào để quay”, Shukla, 32 tuổi, người làng Tulsi, bang Chhattisgarh, nói. “Chúng tôi bắt đầu dùng điện thoại di động để quay và chỉnh sửa, nhưng sau này bắt đầu nghĩ tới việc nâng cấp”.

Bây giờ, họ sản xuất 2-3 video mỗi tháng, từ phim hài, phim ngắn hành động, phim mang tính giáo dục cho đến video ca nhạc. Kết quả, mỗi tháng họ kiếm được 40.000 rupee (483,92 USD) từ YouTube, nhiều hơn 15.000 rupee so với công việc trước đây.

YouTube trả tiền cho người sáng tạo nội dung sau khi kênh của họ có ít nhất 1.000 người đăng ký và thu hút được 4.000 giờ xem nội dung trong 12 tháng.

Nhưng hầu hết tiền kiếm dùng để nâng cấp thiết bị. Chỉ một số người có nhiều khán giả yêu thích được nhận thù lao. Những người còn lại tình nguyện làm không công vào thời gian rảnh vì thích nhìn thấy mình trên màn hình hoặc yêu thích diễn xuất.

“Tôi khao khát trở thành nữ diễn viên. Tôi muốn tiếp tục cố gắng. Tôi sẽ đến Bollywood nếu có cơ hội”, Pinky Sahoo, 24 tuổi, gương mặt nổi trội trong các video của làng, nói.

Các diễn viên ở nhiều độ tuổi, từ trẻ con mới biết đi tới cụ bà hơn 80 tuổi. Với một số người, kênh YouTube là cơ hội để vươn tới giấc mơ lớn ngoài tầm ngôi làng nhỏ.

“Chúng tôi muốn cả thế giới biết đến mình, không chỉ trong phạm vi Ấn Độ”, Verma, 30 tuổi, nói.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Viết một bình luận