BookTok có thể tạo ra xu hướng trong làng sách, tuy vậy, một khảo sát ở Anh cho thấy YouTube là kênh tham khảo được độc giả trẻ tìm kiếm nhiều nhất.
Mạng xã hội – kênh truyền thông sách mới
Ảnh hưởng của mạng xã hội với ngành xuất bản ngày càng rõ ràng với các xu hướng BookTok (nội dung sách trên TikTok), BookTube (YouTube) hay Bookstagram (Instagram). Đồng thời các nhà xuất bản, công ty sách, tác giả cũng tận dụng xu hướng này cho việc truyền thông và thúc đẩy doanh số bán sách.
Trong một cuộc khảo sát ở Anh vào tháng 11/2022, Nielsen BookData cho biết có 34% người trong độ tuổi 14 – 25 chọn YouTube là nền tảng để tìm kiếm thông tin về tên sách mới. Các nền tảng mạng xã hội TikTok và Instagram lần lượt theo sau với con số 32% và 27%.
Kết quả có vẻ khiến nhiều người bất ngờ. Bởi trong thời gian gần đây, BookTok đang nổi lên như một hiện tượng, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và tạo ra nhiều kỳ tích trong ngành xuất bản như có thể khiến một số tên sách ít được biết đến bỗng lọt vào top bestseller chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Jackie Swope – đại diện của Nielsen BookData – YouTube vẫn đang là trang web được truy cập nhiều nhất trong nhóm đối tượng được khảo sát (71%). “Với mức sử dụng chung cao như vậy, không khó hiểu khi họ cũng chọn tìm kiếm sách trên nền tảng này”, Jackie Swope nhận xét.
Phương pháp truyền thống chiếm ưu thế
Nhưng mạng xã hội có phải là nơi chiếm ưu thế trong việc tham khảo, tìm kiếm tựa sách hay và thúc đẩy độc giả đưa ra quyết định mua sách?
Vào năm 2022, nhóm tuổi 14 – 25 ở nước Anh đã mua khoảng 61 triệu cuốn sách với chi phí 496 triệu bảng Anh, chiếm 18% tổng thị trường sách. Cuộc khảo sát cho thấy 45% số người được hỏi trong độ tuổi này đọc để giải trí hàng tuần, trong khi 17% đọc hàng ngày. Sử dụng mạng xã hội là hoạt động hàng ngày phổ biến nhất, với 70% người muốn được giải trí mỗi ngày.
Tuy vậy, khi tìm kiếm thông tin sách mới hoặc tham khảo các tên sách hay, chưa đến một nửa trong số này chọn mạng xã hội làm nơi tham khảo. Swope cho biết còn hai kênh khác được độc giả ưa chuộng hơn cả YouTube nhưng không phải trên không gian mạng, mà thông qua bạn bè hoặc xem sách trực tiếp. Khoảng 41% số người được hỏi cho biết họ tìm thấy các tên sách muốn đọc qua giới thiệu của bạn bè, còn 36% tìm thấy những cuốn sách mới khi đi dạo hiệu sách.
Ngoài ra, website của các đơn vị xuất bản, phát hành cũng là một nơi được độc giả tìm đến khi muốn mua sách, với khoảng 33% số người được khảo sát thường xuyên tham khảo thông tin từ kênh này.
Những người tham gia cho biết yếu tố hàng đầu sẽ khuyến khích việc đọc của họ là nội dung thú vị hơn (34%), thói quen đọc sách (30%) và hạn chế thời gian trên mạng xã hội (26%). Còn các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc mua sách là nội dung mô tả (46 %), nếu họ đã thích tác giả hoặc bộ truyện trước đó (35%) và thiết kế bìa (31%).
Theo Guardian, Alice Harandon, chủ một tiệm sách cho biết thường xuyên có người đến để mua theo các đề xuất BookTok. Nhưng khi các nhà xuất bản truyền thống cố gắng tham gia vào thị trường BookTok, không phải lúc nào cũng có được sức lan tỏa một cách tự nhiên và mạnh mẽ.
“Sẽ hiệu quả nhất khi một cuốn sách hay đã xuất hiện được một thời gian. Sách hay sẽ tìm được lượng người theo dõi tự nhiên hơn là việc tác giả cố gắng viết sách cho thị trường”, Alice Harandon nói.
Ngạn Bình (theo Guardian, Nielsenbook)