[Mới nhất] ‘Đi đâu cũng thấy người nghiện video TikTok nhảm nhí’

Mấy chú U50 ‘dán mắt’ vào video ‘giang hộ mạng’ nói triết lý trên TikTok, một số khác cũng túm tụm bàn luận clip nhún nhảy…

Người dùng ngày càng thích những thứ ngắn gọn và “dễ tiêu hóa” nên video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ rộng rãi. Một thống kê về việc sử dụng các mạng xã hội tại Việt Nam cho thấy, Tik Tok đang tăng trưởng hết sức mạnh mẽ và đã trở thành ứng dụng phổ biến bậc nhất trong giới trẻ, với lượng người dùng hàng ngày tới 74%. Người dùng ứng dụng này, chủ yếu trong độ tuổi 18 đến dưới 30, tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8%.

Nói về những ảnh hưởng tiêu cực của TikTok, độc giả Cafe nhận định: “TikTok như một thứ vô bổ, vô nghĩa, vô ích, nhảm nhí, đang tồn tại và gây nghiện cho đủ mọi lứa tuổi. Đi đâu, ngồi đâu tôi cũng thấy nhan nhản người dùng TikTok. Có nhóm thanh niên ngoài 30 tuổi, toàn đã có vợ con rồi, nhưng cũng xem rồi bắt chước, lấy điện thoại ra quay quay clip nhả khói, quẹt lửa, múa múa để đăng lên mạng. Một số người U40, mới mua điện thoại cũng hay nhờ tôi cài giúp Facebook, TikTok rồi mở ra xem theo kiểu mê hồn. Các anh U50 lại có sở thích xem các ‘giang hồ mạng’ nói chuyện triết lý rồi gật đầu tấm tắc”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trungjp cho rằng: “Thật sự, tôi rất cố gắng lắm để tìm xem những đoạn clip hay, truyền cảm hứng, động lực cuộc sống, nhưng loay hoay một, hai giờ đồng hồ cũng không thấy TikTok giới thiệu những nội dung ấy. Thay vào đó, tôi chỉ thấy được đề xuất những clip xàm và video bán hàng. Chỉ cần tôi lỡ tay lướt chậm lại hai, ba giây thôi cũng bị TikTok hiểu là cần phải giới thiệu những clip như vậy. Hoặc tôi xem những clip gương người tốt, việc tốt, lên án hành vi xấu, nhưng vẫn bị TikTok giới thiếu clip xàm có liên quan đến hành vi xấu đó. Thế nên, giờ tôi hoàn toàn không biết làm sao để mình xem được những clip có chọn lọc tốt nhất có thể. Tôi ủng hộ cấm luôn TikTok”.

“TikTok nhiều clip xàm xí hơn là các nội dung bổ ích. Nếu không muốn cấm cả nền tảng thì chúng ta nên quản lý chặt lại. Cá nhân tôi cảm thấy những clip kiểu lắc hông, uốn éo vớ vẩn của các cô gái mới lớn, không có ý nghĩa gì cả. Quá đơn giản khi nghĩ rằng nền tảng video này chỉ căn cứ vào những gì bạn tìm kiếm để đưa ra gợi ý cho bạn xem. Nó còn căn cứ vào những yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân… Đôi khi bạn vô tình lướt trúng một video nào đó rồi bận gì khác mà để quên đó vài giây, TikTok cũng lập tức gợi ý những nội dung tương tự, rất khó kiểm soát”, độc giả Longtv nói thêm.

>> ‘Sai lầm khi cấm con dùng TikTok, Facebook, YouTube’

Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Quin Luong lại có cái nhìn khác về ứng dụng mạng xã hội này: “TikTok, YouTube, Facebook, Instagram hay bất cứ nền tảng nào khác cũng đơn thuần là chuyển tiếp nội dung từ nhà sản xuất đến người tiêu thụ. Khác ở chỗ là cách tiếp cận nội dung, ví dụ thay vì lướt ở TikTok thì ta phải tìm kiếm ở YouTube. Nội dung bẩn hay sạch, thú vị hay tẻ nhạt, có ích hay không, đều do người sản xuất video quyết định chứ không phải do nền tảng.

Bây giờ, rất dễ tìm một nội dung vừa có trên TikTok, lại vừa có trên các nền tảng khác của cùng một người sản xuất nội dung. Vậy nên, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là cấm nền tảng nào và giữ lại nền tảng nào, cũng không cần phải ‘cai nghiện’ cho ai, mà cốt lõi là vấn đề quản lý thời gian, giờ nào việc đó, thiết kế thời gian biểu một cách khoa học, giảm thời gian sử dụng mạng xã hội, tăng thời gian các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, tập luyện thể thao. TikTok không phải là vấn đề, sử dụng sai cách mới là vấn đề”.

Cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho TikTok, độc giả Na phân tích: “Tôi không hiểu mọi người xem gì trên TikTok mà thấy nó nhảm nhí. Tôi học tiếng Anh trên TikTok, xem các video về du lịch, sức khỏe (do các bác sĩ thực hiện), thực phẩm các vùng miền, lịch sử Việt Nam và thế giới, thậm chí còn có video vật lý và các ứng dụng ngoài đời sống… nên không thấy nó xàm xí.

Nhìn chung thì AI chỉ phản ánh việc bản thân bạn thích gì thôi, chứ TikTok bản thân nó không tạo ra video, mà chỉ là flatform để cung cấp video thôi. Nếu không có TikTok thì cũng sẽ có các flatform khác, ví dụ như Facebook hay YouTube với nhiều nội dung phản cảm, độc hại không kém. Cách đây vài năm, YouTube có rất nhiều video độc hại. Chẳng lẽ chúng ta phải cấm hết TikTok, Facebook, YouTube sao?

Thậm chí, tôi thấy Facebook còn nhiều video độc hại nhất, TikTok và YouTube thì gợi ý theo tìm kiếm người dùng nên đỡ hơn rất nhiều. Nếu bạn tìm kiếm video nhảy sexy ngoài phố đi bộ thì sao ra kết quả video lịch sử được?”.

Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Huỳnh Minh Mẫn: “Nếu không có một vài nền tảng tương tự do một hoặc nhiều công ty trong nước làm và tiếp thị thì dịch vụ video ngắn này sẽ hoàn toàn là sân chơi của các công ty nước ngoài, và cả người dùng lẫn nhà nước sẽ thiệt nhiều mặt: quản lý nội dung truyền tải, thu thuế, nội dung sáng tạo từ người dùng, cũng như dữ liệu về hành vi thói quen của họ, cũng sẽ hoàn toàn thuộc về các nền tảng nước ngoài. Tuy nhiên, tiềm lực vốn và khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp trong nước có lẽ sẽ khó theo kịp các đối thủ nước ngoài nếu không có sự liên kết với nhau cũng như sự hỗ trợ từ chính sách trong thời gian một vài thập kỷ.

Hơn nữa, có lẽ TikTok hay YouTube shorts hoặc Facebook reels cũng chỉ là công cụ thông tin, hiệu quả tốt hay xấu còn do cách dùng của mỗi người. Một video ngắn có thể là video tóm tắt ý cho một video dài hơn – giúp tiết kiệm thời gian để nắm ý chính của tác giả, điều này giúp người xem nhanh chóng xem lướt qua một rừng video để lọc ra những video hay để xem tiếp phiên bản dài hơn, hoặc để nắm bắt nội dung video một cách nhanh chóng. Ngoài ra một số video ngắn có tiêu đề là những câu nói hay câu châm ngôn hay và đoạn video giúp làm sống động những câu nói hay châm ngôn này, xem cũng khá thú vị.

Do đó thay vì cấm hẳn, có lẽ trước mắt chúng ta cần truyền thông dài hơi để tuyên truyền nhắc nhở người dùng nói chung và trẻ em và học sinh nói riêng những tác hại của mạng xã hội. Từ đó, mỗi người dùng sử dụng chúng sẽ có lựa chọn phù hợp hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển nền tảng dịch vụ tương tự trong nước, vì thông tin truyền thông là một trong những lĩnh vực cốt yếu của quốc gia”.

Thành Lê tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.


Viết một bình luận