Người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng đăng tải ý kiến, cảm nhận về về sản phẩm phải là người đã trực tiếp sử dụng, theo dự Luật Quảng cáo sửa đổi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại phần giải thích từ ngữ, dự luật bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”.
Đây là người trực tiếp quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc hình thức tương tự.
Theo dự luật, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm; thu nhập từ hoạt động quảng cáo; nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm quảng cáo không bảo đảm yêu cầu; tự phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường.
Người có ảnh hưởng (chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể) thực hiện quảng cáo thì có nghĩa vụ tuân thủ quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về sản phẩm, người quảng cáo phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động quảng cáo đang phát triển rất mạnh trong cơ chế thị trường với sự đa dạng của nội dung, hình thức. Nhiều người đã lợi dụng sự thông dụng của mạng xã hội, người nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm quảng cáo được chuyển tải theo hướng ý kiến, cảm nhận của người trực tiếp sử dụng để thu hút sự quan tâm của người tiếp nhận. Hình thức quảng cáo thông qua cảm nhận cá nhân của những người có ảnh hưởng (Influencer) đã trở nên phổ biến, gây tác động lớn đến xã hội.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, chi tiêu cho Influencer Marketing tại Việt Nam tăng từ 8 triệu USD năm 2017 lên 71 triệu USD năm 2022 (gấp đôi chi tiêu quảng cáo trên báo in) và dự kiến sẽ đạt mức 134 triệu USD vào năm 2026.
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa 13 thông qua tháng 6/2012. Tuy nhiên, luật hiện không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, luật chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu họ tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp.
Người tiêu dùng khó xác định được tính trung thực, chính xác của nội dung quảng cáo, khiến cho quyền lợi không được đảm bảo. Việc siết chặt quy định này nhằm xác định trách nhiệm, đảm bảo sự trung thực, chính xác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.
Tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và trên phương tiện báo in, báo nói, báo hình. Dự luật cũng hướng đến phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về quảng cáo; đơn giản hóa thủ tục quảng cáo ngoài trời.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.