[Mới nhất] Bấm ‘block’ nhiều hơn ‘like’ trên Facebook, TikTok, YouTube

‘Nội dung tiêu cực tràn lan đến mức mỗi khi lên Facebook, TikTok, YouTube tôi dùng nút block (chặn) còn nhiều hơn cả bấm like (thích)’.

Câu chuyện ứng xử với các nội dung độc hại trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube lại nóng lên sau sự việc cơ quan chức năng phạt ca sĩ Nam Em thêm 10 triệu đồng vì tiếp tục livestream gây hoang mang, kiến nghị khóa tài khoản Facebook và TikTok của cô. Trước đó, ca sĩ liên tiếp tổ chức livestream gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, đề cập góc khuất showbiz. Những nội dung của Nam Em bị cơ quan chức năng đánh giá là tiêu cực.

Chia sẻ về việc đối phó với các nội dung vô bổ, độc hại trên mạng xã hội, độc giả Hoàng Hà bức xúc: “Thông tin tiêu cực tràn lan đến mức mỗi khi lên Facebook, TikTok, YouTube tôi dùng nút ‘block’ (chặn) còn nhiều hơn cả bấm ‘like’ (thích)”.

Cùng chung tâm trạng khó chịu khi tin tức tiêu cực bủa vây trên mạng xã hội, bạn đọc Thanh Y bình luận: “Tôi phải thường xuyên chặn các quảng cáo cờ bạc, cá độ, những video có nội dung vô bổ, xàm xí, không có chút ý nghĩa gì. Có giai đoạn, tôi thấy các video cờ bạc online hiên lên liên tục nhằm dụ dỗ người dùng mạng xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cần có cuộc càn quét diện rộng để làm sạch không gian mạng, nhất là Facebook”.

“Điều kỳ lạ là những tài khoản thường xuyên chia sẻ các nội dung nhảm nhí, độc hại như vậy chẳng những ‘sống khỏe’ mà còn phát triển rất mạnh trong một thời gian ngắn. Nếu cơ quan chức năng không sớm ngăn chặn những người làm nội dung kiểu này, e rằng sẽ có nhiều người bị tiêm nhiễm những thứ lệch lạc, lên mạng chỉ thích xem những nội dung tương tự”, độc giả Iluxman bày tỏ quan ngại.

>> ‘Cấm sóng nghệ sĩ Việt lệch chuẩn’

Nhấn mạnh sự cần thiết vào cuộc của cơ quan quản lý mạng xã hội, bạn đọc Giaphoanpro cho rằng: “Tốt nhất là cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm đối với những người gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, giới trẻ… Có thể cân nhắc xóa toàn bộ thông tin đã đăng tải của những người như vậy để làm gương. Sau một năm, nếu người vi phạm có đơn đề nghị và cam kết hoặc được đào tạo và nhận thức rõ hơn về những hành vi gây tiêu cực của mình, thì cơ quan chức năng có thể giảm hình phạt”.

Khi bạn xem, like, comment, share những nội dung rác, thì không chỉ lãng phái thời gian cuộc đời, mà bạn đã góp phần nuôi dưỡng, phát tán chúng.

Độc giả Thomhb kết lại: “Theo tôi, nên có hình phạt nặng hơn đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người của công chúng… nhưng có những phát ngôn, lời nói, hành động mất kiểm soát, coi thường pháp luật, người hâm mộ trên mạng xã hội. Thực tế, nhiều người cho dù đã bị phạt, cảnh cáo nhiều lần nhưng vẫn tái phạm bất chấp.

Tôi cho rằng, với các trường hợp như vậy, cơ quan quản lý có thể cân nhắc cấm hẳn hoạt động biểu diễn và xuất hiện trên các phương tiện thông tin của những nghệ sĩ này vì họ không xứng đáng mang nghệ thuận đến công chúng. Người hâm mộ không cần những nghệ sĩ lệch chuẩn văn hóa như vậy”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.


Viết một bình luận