MỹChưa từng tới Việt Nam nhưng Richie Crider say mê món ăn tới độ đưa vào thực đơn hàng ngày và lập kênh Tiktok chia sẻ trải nghiệm về ẩm thực Việt.
“Mọi chuyện bắt đầu từ người hàng xóm tên Dũng và các món ăn ngon hơn nhà hàng của anh ấy”, Richie Crider, nhà văn 53 tuổi ở ở Lanham, bang Maryland nói.
12 năm trước, gia đình Richie chuyển về sống cạnh mẹ sau khi cha anh qua đời. Trong con phố nhỏ tập trung người dân nhiều sắc tộc khác nhau, anh Dũng, một thợ sửa máy tính 50 tuổi và vợ Tina là gia đình đầu tiên mời nhà Richie đến ăn tối.
“Họ đãi món chả giò và nhiều món khác. Đó là lần đầu tôi biết ngoài phở, Việt Nam có nhiều món ăn ngon tới vậy”, Richie kể.
Họ giữ mối quan hệ xã giao. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hai nhà trở nên thân thiết. Cặp vợ chồng Việt chia sẻ bất cứ thứ gì họ có cho gia đình sát vách. Trong các video Richie ghi lại, anh Dũng thường băng qua bãi cỏ rồi gõ cửa nhà với một bát bún hoặc phở nghi ngút khói. Bất đồng ngôn ngữ, người đàn ông Việt khó khăn để giải thích cho hàng xóm về tên gọi, nguyên liệu cho đến cách chế biến món đó.
“Một ngày tôi đang xem TV thì anh ấy vớ lấy điều khiển rồi bật video dạy cách nấu một món ăn trên YouTube. Lát sau anh ấy quay trở lại với một bát y chang thế”, người đàn ông Mỹ nói.
Họ đã có cách giao tiếp như vậy để chia sẻ ẩm thực với nhau. Trong những năm đại dịch, tầng hầm nhà Richie trở thành nơi tụ họp của hai gia đình. Trên màn hình những đoạn video cứ chạy, ở bàn bếp Dũng nấu ăn và diễn giải nó lẫn lộn bằng cả hai thứ tiếng. Những người đàn ông, phụ nữ trung niên khác biệt màu da, vóc dáng nhưng cùng nhau cười đùa, thưởng thức món ngon ba miền Việt Nam.
“Tôi cũng chia sẻ mọi thứ với anh ấy, nhưng Dũng kén ăn nên cuối cùng tôi chỉ lấp đầy tầng hầm các loại bia rượu ngon sẵn sàng để đón anh ấy tới”, Richie kể.
Sự “ghiền” đồ ăn Việt của Richie tăng lên theo thời gian. Suốt những năm sống cạnh nhau, anh háo hức mỗi lần gia đình hàng xóm về nước và quay trở lại với một công thức nấu món ăn khác. Trong số này, nhà văn Mỹ bị “đánh gục” bởi sự cầu kỳ của món bún bò Huế. Với anh, nó không giống phở chút nào. Mỗi lần ăn là anh mê mẩn, nhất là những miếng móng giò làm tăng thêm hương vị mà vẫn giữ được vị sả trong nước.
“Món ăn đó như bước ra từ căn bếp của anh ấy, không nơi nào tôi biết nấu ngon bằng. Nó giống như một điệu nhảy tinh tế trong vòm miệng của tôi. Tuyệt vời!”, anh miêu tả.
Chị Tina (vợ anh Dũng) một phụ nữ gốc Việt 50 tuổi làm việc trong ngành bưu điện, cho biết vợ của Richie ban đầu không thích món Việt. Dần dần thấy chồng ăn say mê chị cũng tò mò thử và nhanh chóng phải lòng rồi đến con cháu của họ. Từ chỗ thích ăn, cả gia đình muốn biết quá trình chuẩn bị và các nguyên liệu gì bên trong.
Mỗi khi nhìn thấy chị Tina, họ thường hỏi lúc nào lại nấu món Việt và đề nghị được phụ giúp. Sau này, chị thường lên danh sách nguyên liệu để họ mua về nấu. Gia đình Richie bắt đầu quảng bá đồ ăn Việt Nam đến những người khác trong cộng đồng của họ. Rất nhiều lần Richie, vợ và con gái họ đặt Tina nấu vài chục tô phở, hủ tiếu, bún cho đồng nghiệp ở cơ quan. Nhờ gia đình truyền miệng, nhiều người Mỹ khác biết đến món Việt. Bạn bè của Richie cũng hay đặt gia đình Tina nấu giùm.
“Anh ấy liên tục khích lệ ông xã tôi mở quán ăn”, Tina nói.
Đầu năm 2023, chị Tina chuyển công tác đến bưu điện ở Houston, Texas, cách bang cũ 22 giờ lái xe. Ngày nhận thông báo, vợ chồng Richie buồn bã. Suốt quãng thời gian trước khi nhà hàng xóm chuyển đi, Richie thường xuyên “cắp sách” sang học nấu các món bài bản hơn. Khi chuyển đến nơi mới, hai nhà vẫn thường xuyên gọi điện. Và mỗi lúc nấu món gì chưa rõ, anh lại gọi nhờ Tina chỉ dẫn.
Trong các món ăn Việt, Richie cho biết thấy gói chả giò khó nhất. Đã có lúc anh gần như bỏ cuộc vì phải vật lộn rất nhiều với lớp vỏ. Nhưng Tina đã dạy một số bí quyết và giờ anh có thể gói “mười chiếc giống nhau như một”.
Ngoài học ẩm thực Việt qua gia đình Dũng – Tina, Richie cũng giao lưu với những người Việt Nam khác, ghé thăm các nhà hàng và tham gia nhiều sự kiện ẩm thực, giao lưu văn hóa. Đến giờ anh đã ăn và nấu được gần như mọi món Việt, từ bò sốt vang, bún ốc, bún chả, bún bò Huế, phở gà, cơm rang đến các món món thuần chay. Tuy nhiên, một tai nạn ôtô tháng 9/2023 làm anh khó đứng hoặc đi lại trong thời gian dài, nên không thể nấu ăn nhiều như trước. Họ đành phải đi ăn quán Việt để đỡ nhớ.
Dù vậy, hiện tại mỗi bữa sáng, trưa và tối của vợ chồng anh đều lấy cảm hứng từ món Việt, chẳng hạn thay vì nước sốt cay, họ dùng tương ớt hoặc nước mắm, mắm tôm và luôn có rau sống. Anh cũng bắt đầu sáng tạo, ví dụ thêm thịt xông khói để tăng hương vị trong một số món bún phở thậm chí còn làm món mỳ gạo phô mai thay vì mỳ ống.
Dạo gần đây vợ chồng anh cũng đang thưởng thức các loại hoa quả, món tráng miệng như chè, bánh và sinh tố Việt Nam.
“Tôi bị nghiện và muốn ăn hết những món Việt”, anh nói. Người đàn ông Mỹ cho biết từ khi chuyển sang chế độ ăn thuần Việt đã giảm được nhiều cân, các chỉ số huyết áp, mỡ máu cũng giảm đáng kể.
Bằng tình yêu với ẩm thực Việt và những kỷ niệm đẹp về người hàng xóm, Richie Crider đã lập một kênh TikTok mang tên tiếng Việt “Chú Giàu” (từ “giàu” bắt đầu từ Rich trong tên tiếng Anh). Mục tiêu của kênh là chia sẻ câu chuyện về những người Việt nhập cư lan tỏa ẩm thực, văn hóa và lòng tốt của họ, bất chấp những hạn chế gặp phải ở đây.
“Bây giờ đây là nhiệm vụ của tôi”, anh nói. “Mở cửa ẩm thực và văn hóa Việt Nam tới người Mỹ, những người đang dè dặt trong việc đón nhận món ăn và con người Việt Nam vì thiếu hiểu biết”.
Anh và gia đình hàng xóm cũ cũng đang lên kế hoạch cho chuyến đi Việt Nam trong thời gian tới. “Tôi muốn tận mắt nhìn thấy Việt Nam mà vợ chồng Dũng bao năm qua kể và cho xem qua các video. Tôi đang nóng lòng và háo hức lắm”, người đàn ông 53 tuổi nói.
Xem video “Chú Giàu” yêu món ăn Việt Nam:
Phan Dương