Người dùng TikTok phát thải cao nhất trong các ứng dụng mạng xã hội, với hơn 48 kg CO2e một người mỗi năm, tương đương lái ôtô xăng 200 km.
Thông tin trên được nêu trong phân tích mới đây của Greenly – công ty cung cấp giải pháp quản lý carbon đã gọi được 75 triệu USD vốn series A và B từ quỹ Fidelity International Strategic Ventures, HSBC và Hewlett Packard.
Do lượng nội dung khổng lồ cũng như thời gian dùng ứng dụng trung bình dài hơn, người dùng TikTok có lượng phát thải hàng năm cao nhất.
Trung bình người dùng nền tảng này thải 48,49 kg CO2e (đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương CO2) một năm. Người dùng YouTube phát thải nhiều thứ hai, với 40,17 kg CO2e. Người dùng Instagram là 32,52 kg CO2e.
Báo cáo cho biết nếu quy đổi phát thải từ hành vi lướt mạng xã hội sang lái ôtô xăng, người dùng TikTok đã “lái” gần 200 km, YouTuber 164 km, còn Instagram 133 km mỗi năm.
Tính riêng tại Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp, tổng lượng khí thải năm 2023 của TikTok khoảng 7,6 triệu tấn CO2e, cao hơn Twitter/X và Snapchat trên cùng khu vực.
Với lập luận ba thị trường trên chiếm chưa đến 15% lượng người dùng TikTok toàn cầu, Greenly tính toán tổng lượng khí thải carbon của nền tảng này có thể vào khoảng 50 triệu tấn CO2e, gần bằng lượng phát thải của cả Hy Lạp năm 2023. Lượng phát thải này chưa tính đến không gian văn phòng và di chuyển của nhân viên.
Tính gây nghiện của TikTok là nguyên nhân phát thải cao. Người dùng Instagram trung bình dành 30,6 phút trên ứng dụng mỗi ngày, thời lượng này ở TikTok là 45,5 phút. “Toàn bộ thuật toán được xây dựng xung quanh việc đại chúng hóa video. Tính gây nghiện thúc đẩy người dùng tạo ngày càng nhiều dấu chân carbon trên hồ sơ cá nhân”, Alexis Normand – Giám đốc điều hành Greenly – giải thích.
Lượng khí thải của TikTok không minh bạch nhất trong số các nền tảng mạng xã hội. Các gã khổng lồ công nghệ như Meta và Google công bố các báo cáo chi tiết về chỉ số này hàng năm, đăng tải lên các website. TikTok không có dữ liệu phát thải nào được công khai.
Bên cạnh lượng phát thải cao, các công ty mạng xã hội cũng đưa ra cam kết về nguồn năng lượng sạch dùng cho các trung tâm dữ liệu. Điều tra của Guardian cho biết 4 trong số 5 công ty công nghệ hàng đầu đã sử dụng tín chỉ năng lượng tái tạo bù trừ (Recs) để hạ dữ liệu phát thải trong báo cáo.
TikTok đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030, nhưng mới chỉ xây một trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng tái tạo với mức đầu tư 12 tỷ euro đặt tại Na Uy.
Khi Guardian yêu cầu bình luận về chỉ số này, TikTok không có phản hồi.
Bảo Bảo (Theo The Guardian)