Đóng 15 triệu đồng tham gia lớp học nhặt xu TikTok, nhưng sau vài tháng, Thành Vinh (Bắc Giang) vẫn chưa thể kiếm được tiền như hứa hẹn.
Nghe quảng cáo về “bí quyết nhặt xu TikTok, thu nhập 15-20 triệu đồng mỗi tháng”, anh Vinh quyết định đăng ký một lớp học kéo dài hai tuần. “Họ nói số tiền bao gồm chi phí máy móc, cam kết hỗ trợ trọn đời sau khi kết thúc khóa”, anh kể.
Xu TikTok do nền tảng video ngắn phát hành, được sử dụng để chạy quảng cáo video hoặc mua vật phẩm tặng “idol”. Người dùng có thể mua xu trên trang chủ TikTok với giá 272 đồng. Ngoài ra, xu cũng xuất hiện trong rương phần thưởng ở một số kênh livestream nhất định. “Cần may mắn và nhanh tay để mở rương, nhưng với máy chuyên dụng, người dùng có thể giành quyền mở sớm, tăng tỷ lệ sở hữu xu”, Vinh giải thích.
Máy chuyên nhặt xu mà “thầy giáo” của Vinh giới thiệu gồm một dàn 8-10 chiếc iPhone đời cũ, nối với nguồn và tản nhiệt bằng quạt. Mỗi iPhone gắn thiết bị tự động (auto click) để giả lập thao tác chạm với tốc độ hàng chục lần mỗi giây. Người tham gia được hướng dẫn tạo tài khoản TikTok, tìm kênh livestream đang tổ chức tặng rương, kích hoạt máy để giành quyền mở và nhận xu.
Sau khi kết thúc khóa học và bắt đầu vận hành máy, anh Vinh nhận được lượng xu tương đương 150.000 mỗi ngày. Tuy nhiên, sau một tuần, tài khoản của anh bị khóa. Một số iPhone cũng rất nóng, phản hồi chậm, thậm chí không truy cập được giao diện livestream, có máy sập nguồn. “Tôi và một số người khác được đổi máy nhưng tiếp tục bị lỗi”, anh nói. “Sau khi phản ứng, chúng tôi được trả một nửa học phí và bị chặn liên lạc”, anh cho biết.
Với từ khóa “nhặt xu TikTok”, người dùng có thể thấy hàng trăm video quảng cáo khóa học ngay trên nền tảng này. Đa phần hứa hẹn mức thu nhập từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh thiết bị dùng tại nhà thường xuyên trục trặc, tỷ lệ nhặt xu thấp hơn nhiều so với khi thực hành trên lớp.
Phan Thanh Tùng, chuyên trao đổi xu TikTok trên mạng xã hội, cho biết nhiều lớp học thực chất có nguồn gốc từ các cửa hàng sửa chữa điện thoại. Họ kiếm lời từ việc thanh lý lượng lớn điện thoại cũ cho người tham gia.
Theo anh, hình thức nhặt xu TikTok bằng thiết bị auto click đã có từ lâu, nhưng các lớp đào tạo mới xuất hiện vài tháng gần đây. Nhằm tiết kiệm chi phí và lách thuật toán của TikTok, nhiều người sử dụng điện thoại với hệ điều hành cũ, phổ biến nhất là iPhone 6 và 7 series. Thực tế mỗi điện thoại cũ có giá 600.000-800.000 đồng gồm cả dây sạc nếu mua số lượng lớn. Do đó, tổng chi phí dàn máy với 10 chiếc điện thoại, thiết bị auto click, bộ nguồn, quạt tản nhiệt, khung giữ máy thường không vượt quá 10 triệu đồng. Với mô hình thu phí khóa học nhặt xu, người tổ chức thực tế đã bán được hàng chục điện thoại cũ với giá cao.
“Dàn máy gồm các điện thoại cũ nên dễ hỏng hóc. Không có kiến thức và không biết sửa chữa sẽ lỗ trước khi kiếm được tiền từ TikTok”, anh Tùng nói. “Người mua máy rất khó hoàn vốn”.
Theo một kỹ sư lập trình tại TikTok Việt Nam, sử dụng thiết bị click tự động, tương tự mô hình PhoneFarm câu like ảo, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Hình thức auto click để nhặt xu nở rộ từ đầu năm nay và nền tảng cũng đang áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn. Kỹ sư này cho biết người dùng nên cẩn trọng với lời chào mời mua máy hoặc tham gia khóa học. Trong trường hợp tài khoản gian lận bị khóa, thiết bị hỗ trợ nhặt xu sẽ trở nên vô giá trị.
Hoàng Giang