[Mới] Học ngành diễn viên làm được những công việc gì?

Sinh viên ngành diễn viên có thể làm ở nhà hát, dạy diễn xuất, xây dựng kênh YouTube, Tiktok để kiếm tiền, chứ không chỉ đi đóng phim.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, cho hay cơ hội việc làm của ngành Diễn viên kịch, Điện ảnh – Truyền hình khá rộng mở.

“Hầu hết mọi người nghĩ học diễn viên ra để xuất hiện trên truyền hình nhưng thực tế nhu cầu của các nhà hát, đơn vị biểu diễn sân khấu rất lớn”, ông nói.

Cụ thể, nếu không đi đóng phim, sinh viên sau tốt nghiệp có thể xây dựng kênh YouTube, Tiktok để phản ánh những vấn đề đời sống; làm phim ngắn; đi diễn ở các nhà hát, sân khấu. Ngoài ra, họ có thể dạy diễn xuất cho học sinh trường quốc tế, thậm chí mở trung tâm riêng.

“Đây là xu thế mới và năng động”, ông Lai nhìn nhận.

Về thu nhập, ông Lai nói khó thống kê vì điều này còn tùy công việc hay tác phẩm. Nếu vào được biên chế của các nhà hát, sinh viên sẽ hưởng lương như viên chức. Khi đóng phim, họ trả thù lao theo vai diễn hoặc phân đoạn tham gia.

Với những thí sinh yêu thích nghề diễn, ông khuyên phải thực sự bền bỉ và nỗ lực.

“Không phải chỉ xuất hiện trên truyền hình hay đi đóng phim mới thành công mà giá trị của nghệ thuật còn nằm ở các nhà hát, tác phẩm sân khấu, điện ảnh”, ông Lai nói.

Sinh viên lớp Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình K40A trong vở diễn tốt nghiệp hôm 14/5. Ảnh: Fanpage khoa Sân khấu, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Sinh viên lớp Diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình K40A trong vở diễn tốt nghiệp, hôm 14/5. Ảnh: Fanpage khoa Sân khấu, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội năm nay tuyển 460 sinh viên ở 11 chuyên ngành. Trong đó, chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình tuyển khoảng 50, học phí là 15 triệu đồng một năm.

Ứng viên phải trong độ tuổi 17-22, chiều cao tối thiểu 1,65 m (nam) và 1,55 m (nữ), có vóc dáng cân đối, không khuyết tật hình thể; tiếng nói tốt, không nói ngọng, lắp. Ngành này xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ (điểm Văn lớp 12 từ 5 trở lên) với điểm thi năng khiếu.

Với phần năng khiếu, ứng viên phải qua hai vòng thi. Ở vòng một, thí sinh chọn một bài thơ hoặc bài hát để đọc, trình diễn cho giám khảo nghe, diễn một tiểu phẩm trong 5-7 phút. Ở vòng 2, ứng viên bốc thăm chọn tình huống, rồi tự tập 15-20 phút trước khi biểu diễn.

Đại diện nhà trường cho biết ngoài các môn đại cương bắt buộc, sinh viên còn học nhiều môn chuyên ngành như tiếng nói, hình thể hay kỹ thuật thanh nhạc. Nếu được chọn vào lớp tài năng, các em được đào tạo thêm võ thuật, thanh nhạc nâng cao, thể dục dụng cụ, thậm chí múa đương đại…

Thời gian đào tạo một diễn viên biểu diễn là 4 năm. Trong năm đầu, sinh viên sẽ làm những tiểu phẩm ngắn, dựa trên ý tưởng quan sát ngoài đời sống hoặc chất liệu của văn học, tiểu thuyết hay truyện dài.

Sang năm thứ hai, người học học kịch nói Việt Nam hiện đại, với các đề tài về xây dựng đất nước, nhân vật lịch sử và kịch dân gian. Sinh viên tiếp xúc với kịch hiện đại của Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay về thời kỳ cổ điển, phục hưng hoặc bi kịch cổ đại Hy Lạp từ năm thứ ba. Năm cuối là thời điểm người học lựa chọn tác phẩm tiền tốt nghiệp để luyện tập, biểu diễn báo cáo để ra trường.

Bình Minh


Viết một bình luận