Một số người cảm thấy kiệt sức, bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo trong khi những người khác trở nên lạc quan hơn dù cũng theo xu hướng TikTok.
Dynasti deGouville và Samantha Blau, người Mỹ, cố gắng sống tốt nhất có thể trong trào lưu #ThatGirl kêu gọi phụ nữ trở thành “cô gái đó” trên TikTok. Cả hai đều thức dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục hàng ngày, viết nhật ký, thiền, ăn một số loại thực phẩm và mặc đồ thể thao.
Hashtag #ThatGirl, đã thu hút hơn 6 tỷ lượt xem trên TikTok, là một trong số ít ví dụ về nội dung trực tuyến thúc đẩy người dùng thay đổi trong cuộc sống thực. Chúng có thể giúp nhiều người có lối sống lành mạnh, học hỏi những kỹ năng mới, nhưng cũng khiến nhiều người khác cảm thấy áp lực và kiệt sức, thậm chí tạo ra những tiêu chuẩn không thể đạt được về sắc đẹp và sự giàu có.
#ThatGirl đã bị chỉ trích vì không tính đến sự khác biệt giữa hình dáng cơ thể, chủng tộc và thu nhập, với nhiều bài đăng cho thấy phụ nữ da trắng mảnh khảnh và có vẻ giàu có. Xu hướng này cũng dẫn đến những thái cực khác nhau trong việc cải thiện lối sống của những người tham gia.
Kiệt sức
Đầu năm nay, Dynasti deGouville, 22 tuổi, đã tìm thấy một loạt video #ThatGirl tràn ngập tài khoản của những người cô ấy theo dõi, trong đó họ chia sẻ cách cải thiện cuộc sống của mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 5, deGouville bắt đầu so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống trên TikTok. Cô phải tìm những cách mới để giết thời gian ngoài công việc, khi không còn lớp học cả ngày. “Đó là khi tôi bắt đầu rèn luyện bản thân theo hình mẫu của họ,” cô nói.
“Instagram cũng có nội dung về lối sống đầy khát vọng, nhưng các bài đăng chỉ thể hiện một phần thực tế của người đăng. Người dùng TikTok cho rằng các video trên nền tảng này chân thực hơn, đáng tin cậy hơn đối với họ.” Jayne Charneski, người sáng lập công ty nghiên cứu người tiêu dùng Front Row Insights & Strategy.
Tuy nhiên, thuật toán của TikTok có thể hút người dùng vào hố đen nội dung. Christian Montag, giáo sư tại Đại học Ulm của Đức, cho biết: “Điều đó khiến người xem tin rằng mọi người phải sống giống như nội dung trực tuyến và đặt câu hỏi tại sao họ lại không sống như vậy”.
Những người tạo ra #ThatGirl khuyên bạn nên thức dậy một tiếng rưỡi trước khi làm việc để viết nhật ký, uống nước trái cây và thực hiện quy trình chăm sóc da 7 bước. Sau giờ làm việc, họ được khuyến khích đến phòng tập thể dục và rèn luyện hết khả năng của mình. Họ cũng được khuyên nên ăn uống lành mạnh, đọc sách và thiền trước khi đi ngủ.
“Có những ngày tôi thực hiện đúng lịch trình đó, nhưng thật mệt mỏi. Mọi người không có cách nào để tiếp tục,” deGouville nói và thêm rằng áp lực theo đuổi #ThatGirl khiến cô ấy cảm thấy như phải chạy đua với thời hạn, ngay cả khi nó không tồn tại. Cô ngừng chạy theo xu hướng vào đầu tháng 8, từ bỏ danh sách việc cần làm hàng ngày và cảm thấy cuộc sống đơn giản hơn kể từ đó.
Dù không có mục đích xấu nhưng theo thời gian, trào lưu tạo ra sự cạnh tranh, khiến người tham gia mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc ép bản thân phải làm những điều hoàn hảo, phải có ngoại hình xinh đẹp khiến nhiều cô gái trẻ bị stress, tự ti và ghê tởm bản thân.
Không chỉ #ThatGirl, thông qua các bộ lọc video, TikTok còn tạo cho người dùng ảo giác về vẻ đẹp hoàn hảo với mắt to, mũi cao, da trắng… Theo Tiến sĩ Jasmine Fardouly tại Đại học New South Wales, khi không đạt tiêu chuẩn của tuổi trẻ và sắc đẹp, nhiều người tìm thấy sự hài lòng trên ứng dụng, dần dần không chấp nhận thực tế.
TikTok vào cuối năm ngoái cho biết họ đang tìm cách đa dạng hóa hệ thống đề xuất của mình, ngăn người dùng xem đi xem lại cùng một nội dung. Cormac Keenan, người đứng đầu bộ phận an toàn của TikTok, cho biết công ty đang tìm cách giảm tần suất đề xuất nội dung liên quan đến sức khỏe như tập thể dục và ăn uống. Người phát ngôn của công ty đã xác nhận rằng TikTok sẽ triển khai tính năng lọc cho một số thẻ bắt đầu bằng # nhất định trong vài tuần tới.
Cảm hứng
Samantha Blau, 19 tuổi, cũng xem nhiều nội dung về sức khỏe và lối sống trên TikTok. Thay vì xem nó như một hướng dẫn chi tiết, cô ấy thấy các video truyền cảm hứng để thay đổi một số yếu tố nhỏ trong lối sống hàng ngày của mình.
Cách tiếp cận của Blau là xác định cuộc sống hiện tại giống như mô hình #ThatGirl. Cô ấy đã có một cuốn nhật ký và bắt đầu viết nó mỗi ngày. Kể từ khi áp dụng các đề xuất của #ThatGirl, Blau đã có cảm giác hoàn thành và tâm trạng được cải thiện hàng ngày. Nó thúc đẩy cô ấy giao tiếp xã hội nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và giúp Blau ưu tiên làm những việc khiến cô ấy hạnh phúc.
Blau đã thử một lịch trình dậy sớm, đến phòng tập thể dục và viết nhật ký, nhưng nó không hiệu quả với cô ấy. Cô chuyển sang tập buổi tối, những thói quen khó chịu như ngồi thiền sẽ bị loại bỏ.
Blau nói: “Tôi xem những video đó để đánh giá xem mình có thể học những thói quen nào trong khi vẫn giữ nguyên những điều mà tôi yêu thích hàng ngày”.
Diệp Anh (dựa theo Tạp chí Phố Wall)