Người bán hàng ở Trung Quốc đang tích cực học ngoại ngữ, mở rộng thị trường bằng cách tiếp cận người dùng TikTok ở nước ngoài.
Choàng khăn trùm đầu hijab, mặc áo abaya dài chấm đất, bên trong là áo ba lỗ và quần soóc, các học viên ở một học viện đào tạo thương mại điện tử tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đang trình diễn trước camera điện thoại trong tiết học bán quần áo cho người dùng TikTok ở nước ngoài.
Đó là ngày cuối của khóa học dài hai tuần về bán sản phẩm ra nước ngoài thông qua ứng dụng video ngắn. Để bán hàng thành công trên TikTok đòi hỏi nhiều công cụ như vượt tường lửa Internet, kỹ năng ngoại ngữ. Những thách thức này đã thúc đẩy ngành tư vấn và dạy bán hàng trên mạng bùng nổ ở Trung Quốc.
Trong học viện ở Quảng Châu, giáo viên giơ trang phục lấy cảm hứng từ Trung Đông ra trước camera, giới thiệu thông tin về giá cả, kích cỡ, cho khách hàng là người Hồi giáo ở Anh.
“Đây là vải voan, cực kỳ thoáng mát”, cô nói bằng tiếng Anh trong lúc người mẫu trình diễn mặt hàng, sắp xếp quần áo bằng satin trên giá treo dưới ánh đèn studio.
Wang Yaxuan, 27 tuổi, giảng viên trong học viện, cho biết “chúng tôi dạy mọi người sản phẩm nào đang bán chạy hơn, thị trường nào phù hợp với họ ở giai đoạn hiện tại”.
Quảng Đông là nơi tập trung hàng trăm nghìn công xưởng, sản xuất đủ mặt hàng từ trang phục abaya tới linh kiện máy pha cà phê và tóc giả làm từ tóc người. Sau nhiều thập kỷ sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, các công ty Trung Quốc đang tìm cách cắt giảm khâu trung gian và tiếp thị sản phẩm với giá thấp hơn, trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở nước ngoài.
Shein, công ty thời trang giá rẻ khổng lồ của Trung Quốc, đã tiếp cận thị trường phương Tây cấp thấp một cách hiệu quả theo chiến lược này và TikTok là một phần quan trọng trong mạng lưới bán hàng của công ty.
TikTok Shop ra mắt ở Mỹ cuối năm ngoái. Các tính năng thương mại điện tử đã được triển khai từ trước ở Anh và Đông Nam Á. Chỉ bằng thao tác cuộn đơn giản trên thanh “Live”, người dùng có thể xem nhiều buổi phát sóng trực tiếp trong vòng vài phút.
Nhưng TikTok không vận hành ở Trung Quốc. Bytedance, công ty mẹ của TikTok, triển khai ứng dụng Douyin kiểm duyệt chặt chẽ hơn ở thị trường nội địa, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp bất lợi.
Các khóa đào tạo như khóa học tại học viện thương mại điện tử Mede Education Technology hỗ trợ người bán mọi thứ, từ kiến thức cơ bản về tạo tài khoản trên TikTok đến vận chuyển và phân tích dữ liệu bán hàng. Chi phí cho khóa học 6 ngày khoảng 9.000 tệ (1.244 USD).
Học viên có thể là chủ nhà máy hay sinh viên mới tốt nghiệp. Ngoài TikTok Shop, họ cũng học bán hàng trên các nền tảng khác như Amazon và Shopee.
Qiu Zhouwen, ngoài 30 tuổi, làm việc cho một công ty mỹ phẩm ở Quảng Châu. Anh cho hay công ty cử đi học vì hy vọng sẽ bán được sản phẩm dưỡng da qua TikTok. “Việc nắm bắt thông tin cũng nằm trong chi phí kinh doanh và nếu không có thông tin phù hợp với thị trường, chi phí bán hàng của bạn sẽ rất tốn kém”, Qiu nói.
Wang, giảng viên ở Mede, từng học đại học ở Mỹ, cho hay thách thức đối với người bán là thích nghi với thị hiếu của người tiêu dùng ở nước ngoài. Nhà sản xuất hóa chất Donghua Jinlong đã trở thành chủ đề chế hình ảnh, video hài hước trên TikTok tháng này, sau khi người dùng mạng xã hội ở nước ngoài thích thú trước video quảng cáo của công ty về glycine công nghiệp được lồng giọng đọc AI.
Ngoài ra, người bán còn đối mặt rào cản kỹ thuật. Truy cập TikTok ở Trung Quốc yêu cầu cài đặt phần mềm VPN vượt tường lửa. VPN là khu vực xám ở Trung Quốc, bởi chính quyền thỉnh thoảng áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhưng nhìn chung vẫn cho phép người dùng sử dụng để kinh doanh.
TikTok cũng bị cuốn vào căng thẳng chính trị toàn cầu. Quốc hội Mỹ đe dọa cấm hoàn toàn ứng dụng này vì lo ngại TikTok thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Wang không nao núng trước viễn cảnh Mỹ cấm TikTok. “Học viên của chúng tôi không chỉ bán hàng ra thị trường Mỹ. Xu hướng hiện tại của TikTok đối với thị trường Đông Nam Á cũng rất tốt”, cô nói, đồng thời nhận định đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này, Mỹ đang cố gắng “giành miếng bánh khổng lồ và chia phần thị trường”.
Mede là một trong nhiều nơi đào tạo bán hàng trên TikTok. Tại một số đơn vị khác ở tỉnh Quảng Đông, giới chức còn treo băng rôn tuyên truyền quảng bá thương mại điện tử quốc tế.
Những người không muốn chi tiền học phí có thể học hỏi qua các chuyên gia thương mại điện tử kỳ cựu, những người thu hút lượng lớn fan hâm mộ trên các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc nhờ chia sẻ mẹo dùng TikTok.
Molly Zhao, 23 tuổi, người phát sóng trực tiếp trên TikTok, bắt đầu bán hàng trên nền tảng này từ năm 2022. Cô từng học ở Italy, biết tiếng Italy và tiếng Anh. Kỹ năng ngoại ngữ giúp Zhao kiếm được công việc phát sóng trực tiếp với mức lương 20.000 tệ (2.760 USD) mỗi tháng.
Cô thường xuyên đăng video cho người xem trong nước trên Douyin về các chủ đề cụm từ tiếng Anh thông dụng, chi phí vận chuyển. “Bạn phải tạo không khí”, cô nói, giải thích rằng người livestream nên nghĩ ra một câu cửa miệng để “tạo ấn tượng sâu sắc cho khách hàng”.
Trong một video, Zhao mỉm cười, nhảy múa, chia sẻ thói quen làm nóng cơ thể trước buổi phát sóng trực tiếp bán đá quý và pha lê cho người xem ở Mỹ. “Đã tới lúc kiếm tiền của người Mỹ”, cô nói. “Tôi sẽ bật chút nhạc để nâng cao tinh thần cho bản thân”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)