[Mới] Bốn năm đối đầu với trầm cảm của ‘cô gái hay cười’

Thanh HóaMột buổi sáng bốn năm trước, Ngô Tâm Đức một mình bắt xe buýt đến khám tại Viện sức khỏe tâm thần và được kết luận: Trầm cảm nặng, rối loạn lo âu lan tỏa.

Khoảnh khắc ấy Đức – người tự gọi mình là “cô gái hay cười” – như bừng tỉnh.

“Có chút sững sờ, buồn nhưng cũng nhẹ nhõm vì cuối cùng đã gọi tên được căn bệnh dày vò mình lâu nay”, cô gái 24 tuổi, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa nói.





Tâm Đức tại Tam Đảo tháng 8/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tâm Đức tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từng là một học sinh năng động với thành tích học tập nổi bật, thời cấp 3 Tâm Đức thường xuyên được chỉ định là người chủ trì lễ chào cờ toàn trường và được thầy cô, bè bạn yêu mến.

Nhưng một mâu thuẫn với bạn thân đã đẩy cô vào vòng xoáy của bạo lực học đường. Đỉnh điểm, vào ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, Đức bị một nhóm bạn bao vây, tấn công bằng đủ loại từ ngữ thậm tệ.

Sự việc khiến Đức sợ hãi trường lớp. Cô gái thường trốn vào bóng tối với suy nghĩ “không đáng được sống”. Có lần cô còn làm chuyện dại dột nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời.

Sau sự cố đó, gia đình và nhà trường can thiệp để Đức được yên ổn cho đến ngày tốt nghiệp. Cô chọn một trường đại học tại TP HCM để tránh xa ký ức đau buồn. Cuộc sống một mình nơi đất khách không dễ dàng, nên năm sau Đức quay ra một trường ở Hà Nội cho gần nhà. Thời điểm đó gia đình đang đối mặt với khó khăn tài chính.

Để trang trải cuộc sống, cô đi làm ở shop mỹ phẩm, chiều đi học, tối dạy thêm, đêm về học bài. Lịch trình kín mít kéo dài dần khiến Đức mắc bệnh mất ngủ, nhiều lần phải dùng đến rượu mới có thể chợp mắt.

Nhưng rượu cũng khiến Tâm Đức trượt dài trong tiêu cực. Đến một thời điểm cô không muốn thức dậy, không muốn đi học hay đi làm và buông xuôi tất cả. Trong người cô thường trực cảm giác u uất, không còn mục đích sống.

“Tôi lờ mờ biết bản thân có vấn đề nhưng không biết tại sao?”, Đức kể. Cô gái quyết định một mình đến Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) đi khám.

Những ngày đầu dùng thuốc trầm cảm, Đức gặp nhiều phản ứng phụ nên dừng. Tuy nhiên, bệnh không được điều trị chỉ càng trầm trọng. Vào một ngày Đức đang trên đường về quê, cơn thần kinh thực vật bùng phát. Chân muốn nhấc lên mà không thể. Cô gái co rúm vào một góc, run rẩy bấm điện thoại. “Chị ơi, em không về được”, Đức gọi cho chị gái. “Có mỗi lên xe ngồi là về tới nhà, sao không về được?”, chị hỏi. “Em không biết, nhưng em không thể lên xe được”, Đức nói.

Cuộc đối đáp của hai chị em xoay vòng trong mấy câu đó. Cuối cùng, bố mẹ vội vàng từ Thanh Hóa ra Hà Nội để cho con nhập viện. Hôm đó, Đức thậm chí không ngồi được trên ghế, sợ hãi mọi thứ, nhịp tim tăng cao “như vừa chạy ba vòng quanh bệnh viện”.

Đức trở thành bệnh nhân tại khoa M5 – khoa Y học tự sát. Nằm ở đây một thời gian, cô tiếp tục đi qua nhiều bệnh viện khác trong Nam, ngoài Bắc, tìm đến cả đông y để chữa bệnh.

Nếu như người bình thường khi buồn có thể điều chỉnh được tâm trạng, nhưng người có bệnh trầm cảm sẽ khó thoát ra. Căn bệnh được ví còn kinh khủng hơn cả ung thư. Nó khiến người bệnh tự làm đau mình bằng suy nghĩ tiêu cực. Không chỉ vô hình, không chỉ bên trong suy nghĩ, nó biểu hiện ra bên ngoài. Vào lúc lên cơn, ngay cả việc nhấc chân hay cầm cốc nước cũng là cực hình.

Đức kể, chỉ cần chạm mặt một người bạn cấp ba, hoặc thấy một gì đó kết nối với ký ức đau buồn là tâm trí cô lập tức trôi dạt về quãng thời gian bị làm nhục, cảm giác chán chường, sợ hãi không thể thoát ra.

“Mỗi khi phát bệnh, mọi thứ xung quanh bỗng chốc thành màu xám. Ngay cả những thứ tôi yêu thích nhất cũng không còn mùi, vị gì nữa”, cô chia sẻ.

Bệnh của Tâm Đức nặng nhất vào năm 2023 với tần suất các cơn thần kinh thực vật dày hơn. Trong lần nhập viện mùa hè năm đó, cô gái như cái xác không hồn, luôn có người giám sát phòng trường hợp bất thình lình căn bệnh “nuốt chửng” cô gái trẻ.





Tâm Đức trong chuyến leo đỉnh Sa Mu ở Lai Châu tháng 11/2024. Trở về với thiên nhiên là cách chữa lành, mà với Đức nó hiệu quả hơn bất cứ viên thuốc nào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tâm Đức trong chuyến leo đỉnh Sa Mu ở Lai Châu tháng 11/2024. Trở về với thiên nhiên là cách chữa lành, mà với Đức nó hiệu quả hơn bất cứ viên thuốc nào. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau nhiều lần ra vào bệnh viện mà không cải thiện, Tâm Đức hiểu đây không phải là giải pháp. Cô tình cờ tìm thấy công việc phù hợp chuyên ngành ở một khu nghỉ dưỡng tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, liền gửi hồ sơ xin việc.

Quyết định này gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Nhưng cô gái quyết tâm: “Con đi để sống”.

Chính Ngô Tâm Đức cũng không ngờ quyết định này lại là bước ngoặt. Nơi đây không chỉ cho cô một công việc có thể tự mua thuốc cho mình, còn trở thành chốn chữa lành tâm hồn. Thiên nhiên trong lành và nhịp sống chậm rãi như vun vén lại để chăm sóc cơ thể yếu bệnh của Đức.

“Xa rời ánh mắt dò xét và những kỳ vọng của xã hội, không bị đánh giá và áp lực tôi cứ sống như một nhành cỏ”, cô nói. “Ở đây tôi ngộ ra trầm cảm là một phần con người mình, nên không còn mong đánh đuổi nó nữa”.

Đức lập kênh TikTok để tâm sự cùng người lạ vì quá cô đơn, muốn được tâm sự và thấu hiểu. Ban đầu, gia đình phản đối vì cho rằng “tốt khoe xấu che”. Nhưng Đức không nghĩ nhiều đến vậy. Khao khát sống vượt lên trên nỗi tự ti, xấu hổ.

“Bệnh hủy hoại tôi đến mức nhiều lần viết thư tuyệt mệnh, còn gì mà phải sợ ánh mắt người đời”, cô nói.

Và những người xa lạ trên mạng lại giúp được Đức. Họ không cố gắng khuyên bảo hay phê phán cảm xúc của cô, chỉ lặng lẽ động viên: “Tôi ở đây nghe bạn, bạn dũng cảm lắm”.

Tâm Đức đặt tên kênh của mình là “Nhím cười rất xinh”, như một lời nhắc nhở bản thân phải lạc quan. Không ngờ, những video của Đức không chỉ giúp chính cô giải tỏa, còn chạm đến trái tim của hàng nghìn người khác. Các bình luận trên kênh của Đức, rất nhiều người bệnh cho biết đã được cô truyền cảm hứng sống.





Ngô Tâm Đức trong lần ra Hà Nội tái khám, tháng 11/2024. Ảnh: Phan Dương

Ngô Tâm Đức trong lần ra Hà Nội tái khám, tháng 11/2024. Ảnh: Phan Dương

Trong đợt đi khám chỉ ba tháng sau khi lên Tam Đảo, Đức được giảm liều thuốc. Và đến nay, cô chỉ còn uống một loại vào mỗi sáng, thay vì hàng vốc thuốc như lúc bệnh nặng.

Cô gái 24 tuổi kể trong một lần trò chuyện với bác sĩ điều trị của mình, cô tự hào khoe tháng này đến khám muộn vì chờ nhận lương. Cảm giác được dùng chính đồng tiền mình làm ra để mua thuốc cho mình là ước mơ cô đã thực hiện được. Người bác sĩ từng lắc đầu thở dài vì không biết phải điều trị cho cô bé này như thế nào, cũng bất ngờ với những tiến triển tích cực.

“Chị rất vui và tự hào về em. Đem câu chuyện của em lan tỏa để tiếp thêm hy vọng cho những người khác nhé”, bác sĩ của Đức nói.

Giờ này Tâm Đức tự nhủ chỉ cần bệnh của mình tiến triển là được, đâu cần khỏi.

“Hành trình đã đi qua tôi biết mình chính là phép màu của tạo hóa”, cô gái nói. “Và trầm cảm – căn bệnh không chỉ mang đến khổ đau, còn dạy tôi biết trân trọng từng khoảnh khắc được sống”

Cô gái mượn TikTok để chữa bệnh trầm cảm

Video Ngô Tâm Đức chia sẻ về căn bệnh của mình. “Con chó đen” được xem là biểu tượng của người bị trầm cảm.

Phan Dương


Viết một bình luận