Một số trò chơi và ứng dụng trực tuyến đã bị cấm để “cứu trẻ em và thanh thiếu niên” sau khi cảnh sát phát hiện một đường dây buôn bán 500 cô gái Bangladesh sang Ấn Độ làm gái mại dâm.
Các trò chơi và ứng dụng bị chính quyền nước này đưa vào danh sách đen bao gồm: TikTok, PUBG, Bigo Live miễn phí và Likee. Nó sẽ tạm thời bị cấm và xóa khỏi nền tảng trực tuyến của Bangladesh trong 3 tháng.
Quyết định trên được Tòa án Tối cao Bangladesh đưa ra hồi giữa tuần trước, sau khi nhận được quá nhiều đơn thỉnh cầu từ các tổ chức nhân quyền. Quỹ Pháp luật và Đời sống.
Theo tổ chức này, sự nguy hiểm của các ứng dụng và trò chơi trực tuyến này đã lên đến mức báo động kể từ giữa năm nay, khi chính quyền Bangladesh phát hiện ra một đường dây buôn người sử dụng các nền tảng này.
Thông qua ứng dụng TikTok, bọn tội phạm thu hút những người trẻ tuổi bằng cách hứa hẹn cho họ những công việc lương cao qua biên giới nhưng sau đó bán họ làm gái mại dâm ở Ấn Độ. Các hoạt động của họ được đưa ra ánh sáng sau khi một video TikTok quay cảnh một cô gái 22 tuổi người Bangladesh bị tra tấn lan truyền chóng mặt.
Cho đến khi bị triệt phá, đường dây này đã hoạt động được 5 năm, buôn bán thành công hơn 500 cô gái sang Ấn Độ. Kẻ chủ mưu đang bị cảnh sát Ấn Độ tạm giữ.
Sau vụ việc, tổ chức nhân quyền Quỹ Pháp luật và Đời sống Bangladesh đã gửi đơn yêu cầu chính phủ ban hành lệnh cấm đối với các trò chơi và ứng dụng này nhưng không nhận được phản hồi. Luật sư của họ sau đó đã nộp đơn lên Tòa án Tối cao.
Trong đơn khởi kiện, các luật sư cho rằng thanh, thiếu niên nước này đang “nghiện” game và ứng dụng trực tuyến quá mức. “Đây là một xu hướng đáng báo động, tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ và cũng tạo cơ hội cho tội phạm.”
Họ cũng kêu gọi các cơ quan điều tra về hành vi rửa tiền, những kẻ lợi dụng các ứng dụng, game này để kinh doanh số tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc.
TikTok đã phải đối mặt với sự kiểm soát ngày càng tăng của một số quốc gia. Indonesia đã tạm thời cấm TikTok vào tháng 7 năm 2018 sau khi chính phủ cáo buộc ứng dụng này phân phối “nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ”. Nhưng chỉ sau 8 ngày, lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau khi nhà cung cấp ứng dụng TikTok cam kết có 20 người kiểm duyệt nội dung tại quốc gia này.
Tại Pakistan, lệnh cấm đã được đảo ngược sau khi TikTok cam kết xóa nội dung phản cảm. TikTok vẫn bị cấm ở Ấn Độ kể từ tháng 6 năm 2020 vì bị cáo buộc gây rủi ro bảo mật.
Hải Thu (Dựa theo New Straits Times)