[Mới] Áp lực cạnh tranh khi người Việt ngồi nhà chốt đơn quốc tế

Trong 5 đơn hàng online đang chờ giao của Cao An, 2 đơn mua trực tiếp từ các cửa hàng nước ngoài vì mẫu đẹp, giá bán và phí ship rẻ.

“Cùng một món tìm được thì shop (cửa hàng) nào rẻ và miễn phí vận chuyển thì tôi mua, bất kể ship từ đâu nếu không gấp”, Cao An (quận 6, TP HCM) cho biết. Đợt “săn sale” 11/11 vừa qua anh chủ yếu tìm đồ gia dụng như giỏ quần áo, hộp đựng đồng hồ hay cây lá nhân tạo. Các mặt hàng này không cần ngay nên vài shop quốc tế được anh chọn là nơi “chốt đơn”.

Tương tự, Trọng Tiến (quận 3, TP HCM) cho hay 20% sản phẩm anh mua online là đặt trực tiếp từ shop quốc tế trên sàn thương mại điện tử. “Ưu điểm là đa số hàng rẻ hơn cùng loại với shop trong nước, đa dạng mẫu và gần như miễn phí ship và đa dạng. Ví dụ, mẫu mã các miếng dán velcro PVC (băng nhám dính) trên quần áo, ba lô của nước ngoài phong phú hơn”, anh Tiến so sánh.





Người Việt có thể mua hàng quốc tế online từ shop quốc tế trên các sàn nội địa hoặc mua qua các sàn xuyên biên giới. Đồ họa: Viễn Thông

Người Việt có thể mua hàng online từ nước ngoài trên các shop quốc tế của sàn nội địa hoặc qua các sàn xuyên biên giới. Đồ họa: Viễn Thông

Trong 5-6 năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng mua hàng online trực tiếp từ nước ngoài, qua hai kênh chính là shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu.

Các sàn nội địa lần lượt cho phép các nhà bán hàng nước ngoài tiếp cận khách Việt từ giai đoạn trước dịch Covid-19 (2018-2020). Ở nhóm bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới, mở đường có AliExpress, xuất hiện vào khoảng 2018, tiếp đến là Shein từ sau dịch và gần đây là Temu vào đầu tháng 10.

Tính theo lượng sản phẩm và giá trị giao dịch (GMV), các đơn vị thống kê dữ liệu thương mại điện tử cho biết thị phần của các shop quốc tế trên sàn nội địa chiếm hơn 10%.

Theo dữ liệu thu thập từ 4 nền tảng Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop giai đoạn tháng 4-9/2024 của EcomHeat (đơn vị thuộc công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI), hơn 12% số sản phẩm được bán khai báo vận chuyển từ nước ngoài.

Thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho biết, trong 9 tháng đầu năm, GMV của nhóm hàng có kho tại nước ngoài riêng trên Shopee đạt hơn 10.300 tỷ đồng, với 237 triệu sản phẩm được tiêu thụ.

Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết tỷ trọng hàng bán trực tiếp từ các shop nước ngoài trên sàn này dưới 10%, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc.

Trong quá trình thâm nhập Việt Nam, các nhà bán hàng quốc tế có thế mạnh về giá, mẫu mã và ưu đãi vận chuyển. Tấn Lộc (quận 11, TP HCM) cho hay 10% hàng mua online được anh chọn từ shop nước ngoài, chủ yếu là đồ điện tử và quần áo. “Tôi mua đa số vì rẻ và nhiều mẫu hơn các shop trong nước”, anh nói.

Thực tế, phân khúc dưới một triệu đồng mang đến doanh thu chủ lực cho các shop quốc tế trên Shopee, theo thống kê của Metric. Trong đó, 3 phân khúc giá có GMV cao nhất là 200.000-350.000 đồng; 100.000-150.000 đồng và 10.000-30.000 đồng.

Số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông (VNPT) vào tháng 3/2023 cũng cho biết mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.

Song song đó, mẫu mã cũng là thế mạnh của hàng bán trực tiếp từ nước ngoài, đặc biệt là đồ công nghệ, thời trang, làm đẹp và gia dụng. Trên Shopee, top 3 ngành bán chạy nhất 9 tháng của shop quốc tế là sản phẩm làm đẹp hơn 2.180 tỷ đồng, thời trang nữ 1.500 tỷ và điện thoại, phụ kiện gần 830 tỷ đồng.

Tính chung 4 nền tảng Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, các mặt hàng bán chạy nhất theo thị phần sản lượng là đồ công nghệ, thời trang – phụ kiện, du lịch – thể thao, thiết bị âm thanh và làm đẹp. Trong đó, cứ 10 món đồ công nghệ bán ra thì 3 món được chốt đơn ở shop quốc tế.

Ngoài ra, trợ giá vận chuyển là một lợi thế của hàng bán trực tiếp từ nước ngoài. Nhiều người tiêu dùng cho hay shop quốc tế trên các sàn nội địa hầu hết có phí vận chuyển thấp hoặc miễn phí. Trong khi, các sàn xuyên biên giới còn bạo tay ưu đãi hơn, như Shein “free ship” hầu hết sản phầm, tương tự với Temu.

Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để các nhà bán nội địa và sản phẩm “made in Vietnam” cạnh tranh. Dù ưu đãi vận chuyển, thời gian giao hàng của các shop quốc tế nhìn chung dài hơn, dao động 5-7 ngày. Số ít sản phẩm thuộc shop quốc tế nhưng ship nhanh nhờ trữ hàng sẵn tại kho ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Tín, nhà bán hàng kiêm giảng viên học viện Lazada cho rằng hiện các shop nội địa vẫn có lợi thế về thời gian giao hàng. “Hàng Trung Quốc đã có kho sát biên giới, nhưng về tới TP HCM nhanh cũng mất 4-5 ngày vì còn chờ thông quan, vận chuyển”, ông ví dụ.

Nhà bán trong nước cũng có nhiều “điểm chạm” với người tiêu dùng hơn, từ sản phẩm đến cách bán hàng, hậu mãi. Hơn 60% nguồn hàng ông Tín kinh doanh đến từ Trung Quốc nhưng được đặt gia công mẫu mã riêng. “Hàng Trung Quốc cạnh tranh giá nên họ không thể chăm chút bao bì. Mình thiết kế mẫu mã đúng thị hiếu với người Việt”, ông phân tích.

“Điểm chạm” khác là cảm xúc, nơi các nhà bán Việt giao tiếp và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Ví dụ, bán hàng qua livestream là một kênh củng cố kết nối với người tiêu dùng. Theo thống kê của nền tảng đo lường Stickler về live commerce (bán hàng qua phát trực tuyến), 200 tài khoản hàng đầu trên TikTok Shop ghi nhận 464 buổi livestream với 1.981 giờ phát trong 3 ngày (10-11/11).

Trên Shopee, đợt 11/11 có gần 2 tỷ lượt xem phát live và video. Đầu tháng này, Google hợp tác với Shopee ra mắt YouTube Shopping Affiliate. Ông Joe Nguyễn, Chủ tịch Veena Media – đối tác Stickler cho rằng động thái này cho thấy mức độ hình thức bán hàng qua phát trực tuyến sẽ thịnh hành hơn nữa.

“Không chỉ dừng lại ở các danh mục làm đẹp, mỹ phẩm và thời trang, người tiêu dùng Việt còn mua nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác qua livestream từ người có ảnh hưởng (KOL) và người tiêu dùng có tiếng nói (KOC)”, ông dự báo.

Trong lúc nhà bán hàng trong nước đối đầu shop quốc tế, cơ hội càng hẹp hơn với những đơn vị sản xuất và các thương hiệu nội địa, vì không ít shop cũng đang phân phối hàng nhập khẩu. Ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng chưa nói đến Temu, làn sóng hàng Trung Quốc đổ vào rất mạnh trên các sàn nội địa.

“Bản thân Shopee và Lazada đã trở thành những cánh cửa lớn giúp hàng có chất lượng tạm ổn, giá rẻ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp nội địa”, ông Minh nói. Theo ông, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt cải thiện đáng kể thời gian qua nhưng nhiều đơn vị chạy theo các sản phẩm tiêu dùng phổ thông. Việc kể câu chuyện thương hiệu và tiếp thị còn yếu so với thương hiệu ngoại.

“Điểm khả quan nhất để hàng Việt có thể cạnh tranh với Trung Quốc là tập trung vào sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc tự nhiên, tận dụng tài nguyên bản địa”, ông nêu.

Tại BSA, năm hay họ đẩy mạnh vào lĩnh vực kinh tế dược liệu, tức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup trong phát triển và tìm đầu ra cho các sản phẩm có lợi sức khỏe. “Chúng tôi cũng đang xây dựng các chương trình tiếp thị tập thể dành riêng cho hàng Việt, với mục tiêu tối thiểu là giành lại thị phần trong nước”, ông Minh nói thêm.

Về phía cơ quan quản lý, Chính phủ đang đề xuất sửa Luật Quản lý thuế theo hướng siết chặt hơn với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài (không phân biệt có hay không cơ sở hiện diện ở Việt Nam) dự kiến phải đăng ký, khai và nộp thuế. Các sàn cũng phải khai, nộp thuế thay người bán. Cùng với đó, Chính phủ cũng tính bỏ miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua các sàn thương mại điện tử, để tránh thất thu thuế.

Viễn Thông


Viết một bình luận