[Cập nhật mới] [Cập nhật mới] [Cập nhật mới] [Cập nhật mới] [Mới] Hai mạng xã hội Trung Quốc bất ngờ ‘hot’ tại Mỹ

Nhiều người Mỹ gọi mình nhau “kẻ tị nạn TikTok” khi chuyển sang hai mạng xã hội của Trung Quốc là Lemon8 và RedNote.

Khi lệnh cấm TikTok đến gần, nhiều người Mỹ tìm đến nền tảng thay thế, nhưng không phải của Mỹ. Theo CNBC, Lemon8 của ByteDance và RedNote, nền tảng chia sẻ nội dung có trụ sở tại Thượng Hải, đang ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến.





Logo ứng dụng Lemon8 trên một chiếc smartphone. Ảnh: Pubity

Ứng dụng Lemon8. Ảnh: Pubity

Tính đến 15/1, RedNote, được gọi là Xiaohongshu tại Trung Quốc, trở thành ứng dụng miễn phí hàng đầu trên App Store ở Mỹ, còn Lemon8 xếp thứ hai.

RedNote được ví là “Instagram của Trung Quốc”, cho phép chia sẻ các mẹo về du lịch, trang điểm, thời trang và nhiều lĩnh vực khác. Hầu hết nội dung trên đây chỉ hỗ trợ tiếng Trung nhưng app vẫn được tải 700.000 lần trong hai ngày. Trên nền tảng, người tham gia gọi nhau là “kẻ tị nạn TikTok”.

Trong khi đó, Lemon8 có tính năng tương tự Pinterest, Instagram, do ByteDance phát triển. Tính đến tháng 6/2024, ứng dụng có 1,8 triệu người dùng hàng tháng riêng ở Mỹ.

Dù vậy, nói với NY Post, Adrianus Warmenhoven, chuyên gia an ninh mạng tại NordVPN, lo ngại RedNote mang đến “rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng và quyền riêng tư” cho người dùng Mỹ. “Giống TikTok, RedNote phải tuân theo luật dữ liệu của Trung Quốc, có thể cung cấp cho cơ quan chính phủ quyền truy cập vào dữ liệu người dùng mà không có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư như ở Mỹ”, Warmenhoven nói.

Nathan Leamer, CEO Fixed Gear Strategies, đánh giá RedNote nguy hiểm hơn TikTok. “Trong khi TikTok dường như có biện pháp bảo vệ và hiện diện tại Mỹ để tạo uy tín, RedNote thậm chí không cố gắng che giấu mối liên hệ của mình với chính quyền Trung Quốc”, Leamer bình luận. “Nền tảng này thu thập dữ liệu cá nhân ở mức rộng lớn, gồm vị trí, hoạt động duyệt web và thông tin cụ thể của thiết bị như địa chỉ IP”.

Theo nguồn tin của Reuters, dự kiến tuần này, RedNote triển khai công cụ kiểm duyệt nội dung cho các bài đăng bằng tiếng Anh và công cụ dịch tiếng Anh sang tiếng Trung trên ứng dụng.

Michael Sobolik, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Hudson, dự đoán khi người dùng lớn đổ xô lên RedNote hay Lemon8, các ứng dụng này cũng có thể đối mặt nguy cơ bị kiểm soát tương tự TikTok. Tại Mỹ, luật thoái vốn trao cho Quốc hội quyền cấm ứng dụng từ nước ngoài nếu chúng có hơn một triệu người dùng hàng tháng.

Đại diện RedNote, Lemon8 chưa đưa ra bình luận.

Sự thất vọng của người dùng Mỹ

Theo Reuters, Tòa án Tối cao Mỹ không hủy bỏ lệnh cấm, trong khi TikTok cũng đang lên kế hoạch đóng ứng dụng tại Mỹ. Trên nền tảng, nhiều người chia sẻ sự thất vọng và buồn bã khi ngày 19/1 – thời hạn TikTok thoái vốn hoặc phải ngừng hoạt động – đang đến gần.





Người ủng hộ TikTok tập trung bên ngoài Đồi Capitol, Washington tháng 3/2024. Ảnh: AFP

Người ủng hộ TikTok tập trung bên ngoài Đồi Capitol, Washington tháng 3/2024. Ảnh: AFP

Theo công bố của TikTok, ứng dụng có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ. Nhiều người, đặc biệt những ai có lượng theo dõi lớn, đặt sự nghiệp của mình vào ứng dụng và đã hy vọng trong nhiều tháng rằng TikTok sẽ tìm cách vượt qua. “Việc TikTok giơ cờ trắng thật đáng nản lòng”, Joonsuk Shin, Giám đốc nghiên cứu và nhà sáng tạo nội dung của một công ty ở New York, nói với Reuters.

“Thật đáng buồn vì tôi nghĩ mọi thứ đang tiến triển theo chiều hướng tốt”, Ishpal Sidhu, 32 tuổi, cựu luật sư và có tài khoản TikTok 400.000 người theo dõi, nói. Cô cũng đang tự hỏi liệu mình có được trả tiền cho các nội dung đăng vào tháng 1 hay không.

Một số thậm chí kêu gọi chính phủ Mỹ thực hiện điều tương tự với các nền tảng nhiều người dùng khác. “Tất cả chúng ta đều cần xóa tài khoản Facebook, X và Instagram ngay trong ngày hôm đó”, một người cho biết.

“Tại sao họ lại đùa giỡn với chúng ta?”, Amber Goode, 28 tuổi, nhà sáng tạo nội dung từ Colorado, nói về việc phải chờ Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định về số phận của TikTok. “Tôi cảm thấy chính phủ đang né tránh đưa ra câu trả lời mà họ đã biết”.

Theo CNBC, khi thời gian TikTok bị cấm đến gần, nhiều người Mỹ khác cũng đã tính đến việc sử dụng mạng riêng ảo (VPN) – công cụ hoạt động bằng cách chuyển lưu lượng Internet của người dùng qua máy chủ ở quốc gia khác, khiến họ trông như đang truy cập Internet từ một vị trí khác với nơi đang ở.

“Chúng tôi liên tục thấy nhu cầu VPN tăng đột biến thời gian gần đây, khi quyền truy cập vào các nền tảng trực tuyến bị hạn chế”, Lauren Hendry Parsons, Giám đốc ExpressVPN, nói. “Khi chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều nỗ lực phân mảnh và kiểm duyệt Internet, vai trò của VPN trong việc duy trì quyền tự do trên Internet ngày càng trở nên quan trọng”.

Bảo Lâm

Viết một bình luận